Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ tiếp tục trở thành vấn đề nóng của hội thảo khoa học "5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức" được ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 18-9.
Cần "ma trận" chấm thi để tránh tiêu cực
GS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, đại diện cho nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về đổi mới thi và kiểm tra, cho rằng sau 5 năm, dù có những biến chuyển nhưng đổi mới thi và kiểm tra đánh giá hiện nay vẫn thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách kiểm tra đánh giá. GS Thanh thẳng thắn cho rằng chương trình hiện hành vẫn nặng về kiến thức, số học sinh trên lớp học quá đông nên khó triển khai đổi mới, thêm vào đó tâm lý thi cử nặng nề, công tác phân luồng trong đào tạo chưa hiệu quả.
Giám thị tập huấn trước khi bước vào coi thi kỳ thi THPT năm 2018 Ảnh: TẤN THẠNH
Nhận xét riêng về kỳ thi THPT quốc gia, GS Thanh cho rằng vẫn còn tiêu cực trong quá trình triển khai, kết quả thi chưa bảo đảm tính ổn định. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị cơ quan quản lý bên cạnh việc tiếp tục duy trì mô hình thi THPT quốc gia thì cần bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, câu hỏi tích hợp, hoàn thiện kỹ thuật cũng như điều chỉnh văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giám sát…
Cũng theo GS Nguyễn Quý Thanh, cần phải công khai dạng thức và đề thi trên mạng để học sinh có thể tự đánh giá các năng lực cơ bản. Khi xét tốt nghiệp nên kết hợp giữa điểm tích lũy môn học và đánh giá năng lực cơ bản, đồng thời khuyến khích các trường xây dựng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt liên quan đến ngành đào tạo.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp Hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam), cho rằng vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đến năm 2023 nhưng cần làm chặt hơn nữa ở quy chế tuyển sinh, có thưởng, có phạt nghiêm minh đối với những người có trách nhiệm, đồng thời hoàn thiện hơn nữa phần mềm chấm thi. Bà Nga cũng cho rằng không nên chấm chéo mà nên có "ma trận" tổ chức chấm thi để tránh hiện tượng bắt tay nhau giữa các tỉnh. "Ma trận" chấm thi sẽ phức tạp hơn chấm chéo giữa 2 tỉnh với nhau nhưng cũng sẽ chặt chẽ, bảo đảm sự công bằng, khách quan hơn. Thêm vào đó, phải xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú hơn, đa dạng hơn, theo hướng đánh giá năng lực học sinh chứ không phải theo sách giáo khoa.
Cũng theo bà Nga, từ năm 2021-2023, nên thi 2-3 lần/năm, tổ chức thi chuyên trên máy tính, thí điểm trước ở những địa phương tự nguyện và đến năm 2024 tổ chức thi chính thức với 3 môn thi bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ. Thí sinh cũng có thể chọn môn thi chuyên biệt để tuyển sinh vào ĐH, còn việc tuyển sinh để các trường ĐH tự chủ.
Hổng ở khâu kỹ thuật của kỳ thi 2 mục đích
Cũng liên quan đến đổi mới thi, theo TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - kỳ thi THPT quốc gia được gọi nôm na là kỳ thi "2 trong 1" nhưng thực tế 2 mục tiêu lại rất khác nhau. Với góc độ thi tốt nghiệp THPT, trình độ giáo dục phổ thông là trình độ phổ cập. Trong khi đó, mục tiêu thứ hai là để xét tuyển ĐH, CĐ, tức phải chọn được thí sinh có đầy đủ kiến thức, hiểu biết, kỹ năng… để học được ở bậc học cao hơn. Chính vì vậy mà ghép kỳ thi này, về kỹ thuật là rất khó. Nếu đạt trọn mục tiêu thứ nhất thì mục tiêu thứ hai sẽ không vẹn!
TS Thắng cũng cho rằng nếu chỉ là mục tiêu tốt nghiệp THPT thì kỳ thi THPT quốc gia 2018 chắc chắn đã không có nhiều sai phạm. Sai phạm chủ yếu ở đây là làm thế nào để thí sinh có kết quả tốt nhằm đáp ứng được yêu cầu xét tuyển ĐH, CĐ, thậm chí là có thể vào được một số trường danh tiếng. "Đây rõ ràng là vấn đề kỹ thuật mà các nhà quản lý cần phải quan tâm để hài hòa hai mục tiêu này. Sai sót, lỗ hổng chúng ta đã nhìn nhận rồi, hổng chỗ nào ta bịt chỗ đó" - TS Thắng nói.
Ông cũng đề xuất cần tiếp tục rà soát quy chế thi, quy định cụ thể hơn, rõ trách nhiệm hơn của các khâu, các cá nhân trong tổ chức kỳ thi này. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý với địa phương cũng như kiểm tra, giám sát để từng khâu để kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất nên gọi kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi "2 trong 1 buổi". Đề thi sẽ có 2 phần, một phần để tốt nghiệp THPT và phần còn lại cho thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ. Học sinh nào không có nhu cầu thi ĐH cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Người nào muốn thi ĐH sẽ tiếp tục làm bài. TS Quách Tuấn Ngọc khẳng định chủ trương thi tại địa phương là đúng, giảm áp lực nhưng tổ chức thực hiện như thế nào cho tốt lại là vấn đề cần bàn kỹ. Theo ông, phần bài thi ĐH nên do trường ĐH chủ trì để bảo đảm sự khách quan, công bằng.
Bộ trưởng: "Đừng sốt ruột"!
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, đây cũng là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị.
Với một nghị quyết lớn như Nghị quyết 29-NQ/TW, để đi vào cuộc sống và nhìn thấy được kết quả rõ ràng thông thường cần phải 10 năm. Nhìn nhận về đổi mới giáo dục cần thấu đáo, toàn diện và không thể sốt ruột. "Có nhiều việc cần phải giải quyết ngay trước mắt nhưng nhiều việc phải lâu dài. Nhiều việc đã làm nhưng chưa thể hiện được kết quả" - ông Nhạ nói.