30% học sinh học nghề: Chuyện trong mơ!

Thứ tư, 03 Tháng 10 2018 10:04 (GMT+7)
Số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp hiện chỉ khoảng hơn 10%, con số này vẫn còn quá thấp so với chỉ tiêu 30% học sinh phải vào hệ thống các trường nghề sau THCS vào năm 2020

Tháng 5-2018, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025". Theo đó, đến năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%.

Bài toán lớn của hệ thống giáo dục

Phân luồng sau THCS không phải là câu chuyện bây giờ mới đặt ra. Trước đây, đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề cập khá kỹ về phân luồng nhằm tạo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bài toán phân luồng sau THCS từ nhiều năm qua không còn là vấn đề của một địa phương mà đã trở thành vấn đề lớn trong cả hệ thống giáo dục và là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong nhiều năm học gần đây.

30% học sinh học nghề: Chuyện trong mơ! - Ảnh 1.

Học sinh thực hành tại một trường CĐ nghề tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Thực hiện Luật Giáo dục 2005, kể từ năm học 2005-2006, Bộ GD-ĐT không tổ chức thi tốt nghiệp THCS. Hầu hết học sinh học xong THCS đều vào THPT qua hình thức xét tuyển. Hệ quả việc này biểu hiện khá rõ khi 3 năm sau đến thời điểm tốt nghiệp THPT số lượt học sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2008-2009 đạt mức cao nhất. Đó là chưa kể do chỉ xét tuyển đầu vào lớp 10 THPT, nhiều địa phương cho rằng chất lượng đầu vào lớp 10 ngày càng giảm sút. Vì vậy, chỉ vài năm sau, hầu hết các địa phương đã phải "khôi phục" lại kỳ thi tuyển vào lớp 10 các trường công lập.

Đầu tháng 6 hằng năm, nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Kỳ thi này diễn ra trước thời điểm thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng mức độ căng thẳng cũng không kém, nhất là ở các thành phố lớn chỉ tiêu vào lớp 10 giảm dần hằng năm theo lộ trình trong khi lượng thí sinh tăng hoặc không đổi. Mỗi năm, cứ đến mùa tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT công lập thì điệp khúc bài toán phân luồng sau THCS lại được nhắc đến với nhiều băn khoăn.

Nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu

Hằng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nói chung hiện được định hướng vào 4 luồng chính là: học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề (TCN); vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống.

Từ năm 2016 trở về trước, hệ thống các trường TCCN đặt dưới sự quản lý của Bộ GD-ĐT, còn các trường TCN thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Trước khi hệ thống đào tạo TCCN chuyển giao quản lý từ Bộ GD-ĐT về Bộ LĐ-TB-XH từ năm 2017, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN chỉ vào khoảng hơn 10%, con số này vẫn còn quá thấp so với chỉ tiêu 30% học sinh phải vào hệ thống các trường nghề sau THCS vào năm 2020. Có đến 20 trường TCCN không tuyển được học sinh trong năm học 2015-2016.

Số liệu thống kê từ Bộ LĐ-TB-XH tuy có "phấn khởi" hơn nhưng cũng còn rất xa để đạt được chỉ tiêu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong năm học 2015-2016, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCN và TCCN là 116.222. Như vậy, dù lạc quan cách mấy thì với tỉ lệ hiện nay chỉ khoảng 10% học sinh sau THCS được tiếp tục học ở các trường thuộc hệ thống đào tạo nghề nghiệp thì khó lòng trong 3 năm tới nâng tỉ lệ này lên 30%.

Tuy được định hướng theo 4 luồng chính sau THCS nhưng thực tế hiện nay phần lớn các tỉnh, thành phố đều có tình trạng "dồn toa" theo luồng học tiếp lên THPT với tỉ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%; TP HCM 77%...). Việc học sinh chọn luồng giáo dục thường xuyên cũng chỉ là một giải pháp của không nhiều học sinh.

Có thể ví von rằng nếu con đường vào giảng đường ĐH, CĐ ngày càng rộng mở khi học sinh có thể được xét tuyển bằng học bạ THPT thì con đường trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên lại trở nên ngoằn ngoèo gập ghềnh "khó đi". Chỉ tiêu đặt ra không mới, được đề ra trong các kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục và nguồn nhân lực cấp quốc gia và các địa phương nhưng đến nay trên thực tế vẫn là những con số "trong mơ". 

Giải pháp cần cụ thể hơn

Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đã nêu 7 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để triển khai đề án, trong đó nội dung nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông là nhiệm vụ giải pháp hàng đầu.

Việc phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với Bộ LĐ-TB-XH trong chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục trung học thực hiện việc giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề; thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề là điều hết sức cần thiết.

Nguồn: TS Nguyễn Đức Nghĩa - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...