Sáng 21-5, Quốc hội (QH)thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Những vấn đề về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; chế độ, chính sách cho sinh viên sư phạm, giáo viên được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm thảo luận.
Bỏ thi để đỡ tốn kém
Liên quan đến những quy định việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ĐB Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho biết thời gian qua, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mục tiêu 2 trong 1 (lấy kết quả xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ) đã xảy ra nhiều tiêu cực. Kết quả thí sinh thi đậu rất cao, có địa phương đạt 99%.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên thảo luận ngày 21-5 Ảnh: TTXVN
"Thi thì phải có người trúng, người trượt nhưng cách thi vừa qua phải xem lại có hợp lý hay không?" - ĐB Hòa nói và đề xuất trong luật có nội dung giao cho Chính phủ nghiên cứu để sau này tùy tình hình thực tế mà có thể bỏ thi, chỉ xét tuyển tốt nghiệp THPT để giảm chi ngân sách nhà nước.
Theo ĐB Hòa, chỉ tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia nhằm tuyển học sinh có học lực khá, giỏi tham gia. Những học sinh trung bình có thể học nghề hoặc lao động theo sở thích nhưng cũng có thể tham gia thi tuyển nếu thấy có khả năng. Như vậy, sẽ tiết kiệm tiền của xã hội nhất là những gia đình khó khăn và chất lượng đầu vào ĐH được nâng lên.
Cho rằng trước đây, học sinh ở lại lớp là chuyện bình thường, thi tốt nghiệp đạt tỉ lệ thấp là phổ biến, không có gì nặng nề, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết trường ông năm 1977 chỉ có 40% đỗ tốt nghiệp và nhiều trường cũng chỉ 60%, 70% nhưng mọi chuyện vẫn bình thường. Nhưng bây giờ cái gì cũng sợ: sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn; cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương, cho các cháu không tốt nghiệp thì cũng sợ các cháu sốc. Thầy cô bây giờ không dám đụng chạm, không nghiêm khắc với học sinh, sợ áp lực dư luận xã hội.
"Tôi rất băn khoăn về giáo dục. Phải chăng ông cha trước đây thời từ trước những năm 1980 giáo dục như thế là không tốt hay sao? Bây giờ buộc phải lên lớp hết, phải đỗ hết, liệu tỉ lệ 100% khá giỏi có đáng mừng hay không?" - ĐB tỉnh Ninh Bình nêu vấn đề và nhận định rằng nếu cứ tiếp tục tình trạng kéo dài thế này, không biết tương lai con em chúng ta sẽ ra sao.
"Nếu con em chúng ta nhận thức, ảo tưởng về bản thân mình với chính sách giáo dục của nước ta hiện nay, đánh giá, xếp loại, chuyển lớp, chuyển cấp như vậy thì sẽ như thế nào" - ĐB Phương nói.
Nên ưu tiên sư phạm như công an, quân đội...
Về chính sách đối với người học tại điều 83, nhiều ĐB đề nghị nên có chính sách ưu tiên đối với sinh viên học sư phạm giống như trường công an, quân sự. Theo đó, điều kiện thi phải điểm cao, điểm sàn phải rất cao so với các ngành khác chứ không phải như hiện nay điểm sàn ngang các ngành khác mà được ưu đãi là không hợp lý.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa, ngành sư phạm điểm đầu vào rất thấp sẽ tuyển được ít sinh viên giỏi, đạo đức chưa chuẩn mực. Thời gian qua, tuyển sinh sư phạm không có quy hoạch, định hướng nên khi sinh viên ra trường không có việc làm rất nhiều do đầu vào tuyển sinh quá dễ dàng .
ĐB Hòa đề nghị khi tuyển sinh viên sư phạm điểm đầu vào cao, tốt nghiệp xuất sắc sẽ được hưởng mức lương cao hơn 1 bậc so với các trường hợp khác. Như vậy, sinh viên an tâm khi học, ra trường có việc làm ổn định, lương bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Từ đó, học sinh giỏi tranh nhau vào ngành như vào các trường đại học y, dược, công an, quân sự.
Đồng quan điểm, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thực hiện chế độ đối với sinh viên và nhà giáo như những ngành công an, quân đội; tuyển sinh đầu vào có sơ tuyển, coi trọng tiêu chí hạnh kiểm, đạo đức và học lực. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế, sinh viên ra trường được bố trí công tác, được đãi ngộ xứng đáng.
"Giáo viên có thể có mức sống cao từ đồng lương của mình thì mới yên tâm công tác, cống hiến. Như vậy mới đủ sức thu hút người giỏi, nhân tài vào học các ngành sư phạm" - ĐB Triệu Thanh Dung nhấn mạnh.
Cần thành lập hội đồng phê duyệt sách giáo khoa
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa là người thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, đồng thời là người phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông sau khi Hội đồng quốc gia thẩm định.
"Tôi cho rằng không logic lắm trong điều kiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Đề nghị Chính phủ thành lập hội đồng hoặc nếu không thành lập hội đồng thì Chính phủ phải phê duyệt sách giáo khoa sau khi hội đồng thông qua. Tôi không dám nói bộ trưởng không làm nổi nhưng cần có sự khách quan trong vấn đề lớn này; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm" - ĐB Dương Minh Tuấn nêu ý kiến.