Ngày 4/6 vừa qua, Phân hiệu tổ chức tham quan di tích lịch sử đình Tân Hưng. Đình Tân Hưng được xây dựng năm 1907, thuộc ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cách trung tâm TP. Cà Mau 4 km về hướng Nam. Dẫn đoàn là cô Trần Thanh Thuý, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo - Công tác sinh viên - Đoàn Hội, cùng hơn 50 sinh viên năm nhất các ngành Du lịch và Ngôn ngữ Anh. Tại đây, các bạn sinh viên được nghe những chia sẻ của nhân viên quản lý về lịch sử hình thành của đình Tân Hưng; Giới thiệu về văn hoá đình làng, lịch sử cách mạng thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh đó, sinh viên còn được tham quan mô hình giao thông hào mà dân ta sử dụng trong kháng chiến.
Hướng dẫn viên giới thiệu lịch sử đình Tân Hưng với sinh viên.
Bạn Lê Ngọc Vuông, sinh viên năm nhất ngành Việt Nam học (Du lịch), chia sẻ: “Hoạt động tham quan rất bổ ích cho sinh viên nói chung, đặc biệt là sinh viên ngành Du lịch. Bởi không chỉ giáo dục truyền thống lịch sử cội nguồn của cha ông thế hệ trước, mà qua đó sinh viên còn hiểu được phương pháp truyền đạt thông tin sao cho hiệu quả từ hướng dẫn viên tại đây. Hy vọng thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động thực tế để sinh viên tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích phục vụ học tập và nghiên cứu”.
Thời gian qua, Phân hiệu thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn ý nghĩa tại nhiều địa điểm như: Khu căn cứ Lung Lá - Nhà Thể; Phủ thờ Bác ở xã Trí Lực, thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách và hỗ trợ nhiều cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Những chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống này có ý nghĩa tích cực nâng cao nhận thức và trách nhiệm của sinh viên đối với cội nguồn.
Giáo dục truyền thống nguồn cội cho sinh viên là hoạt động trường Đại học Bình Dương luôn định hướng cho sinh viên. Vì thế, để sinh viên tiếp nhận tự giác, nhà trường đã tổ chức bằng nhiều hình thức sinh động để tạo giá trị chiều sâu trong sinh viên. Từ đó, giúp sinh viên nâng tầm nhận thức, có ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với bản thân trong học tập, rèn luyện./.