Kết thúc đợt xét tuyển lần 1, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có gần 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Ngoài những trường chất lượng tốt, có lợi thế về cơ sở vật chất... với điểm trúng tuyển từ mức trung bình trở lên (15 điểm) thì nhiều trường có điểm trúng tuyển dưới 15 điểm /3 môn. Như vậy, việc các trường Đại học có điểm trúng tuyển thấp sẽ "vợt" hết các thí sinh, còn các trường Cao Đẳng, Trung cấp sẽ thiếu trầm trọng nguồn đầu vào.
Theo Bộ GD-ĐT, việc các trường ĐH có điểm trúng tuyển thấp sẽ "vợt" hết các thí sinh, còn các trường CĐ, Trung cấp sẽ thiếu trầm trọng nguồn đầu vào.
Theo thống kê điểm trúng tuyển mà các trường đã công bố, hàng loạt trường đại học lấy điểm chuẩn ở mức 13-14 điểm. Cụ thể như Đại học Quảng Nam, Xây dựng Miền Tây, Xây dựng Miền Trung, trừ khối ngành sư phạm thì tất cả các ngành học khác của 3 trường này đều có điểm chuẩn trúng tuyển là 13 điểm. Đại học Hà Tĩnh có 13 trên tổng số 18 ngành có điểm trúng tuyển là 13,5 điểm; Đại học Đà Lạt có 7 ngành có điểm trúng tuyển là 14; Đại học Bạc Liêu lấy 14 điểm tất cả ngành; Đại hoc Kiên Giang có 13 ngành lấy điểm chuẩn là 14 điểm; 17 trên tổng số 29 ngành của Đại học Hùng Vương có điểm chuẩn là 14 điểm; Đại học An Giang có 20 ngành lấy điểm chuẩn 14 điểm... Mức điểm trúng tuyển này cũng chính là mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển mà đã công bố trước đó.
Lý giải về việc nhiều trường có điểm trúng tuyển vào một số nhóm ngành thấp, ông Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, đánh giá, những ngành hoặc những trường mà lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn, cũng là một hiện tượng của xã hội do việc đăng ký của các em thí sinh quá ít so với khả năng đào tạo của các cơ sở đó. “Do sức ép, buộc các trường, cơ sở phải lấy xuống ở mức điểm sàn. Đương nhiên ở mức điểm sàn thì chất lượng đầu vào sẽ không tốt bằng những trường, những ngành mà điểm đầu vào cao hơn”- ông Phạm Xuân Anh cho biết.
Qua phân tích điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm từng môn thi năm 2019, điểm trung bình của các tổ hợp ba môn xét tuyển truyền thống cũng tăng so với năm 2018 (ngoại trừ khối C và D tăng ít, các khối xét tuyển khác tăng từ 1,5 đến 2,1 điểm). Vì vậy, các trường có điểm trúng tuyển từ 13-14, tức là dưới điểm trung bình (5 điểm 1 môn) là quá thấp. Dù quyền quyết định mức điểm trúng tuyển bao nhiêu là của các trường nhưng nếu điểm đầu vào quá thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
“Rõ ràng, điểm đầu vào cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và kỳ thi THPT quốc gia phân loại khá là tốt, chính vì vậy mà đầu vào dưới trung bình thì chắc chắn chất lượng đào tạo cũng ảnh hưởng. Điều này cũng phần nào phản ánh được sự phân loại của các trường đại học. Tất nhiên cũng không hoàn toàn chính xác nhưng đó cũng là một trong những tiêu chí có thể phân loại, phân hóa của các trường đại học”- ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chất lượng đầu vào là một nhân tố quyết định đến chất lượng sinh viên đầu ra. Nếu học lực ở bậc phổ thông của sinh viên quá thấp thì sẽ gặp khó trong tiếp thu kiến thức ở bậc đại học.
“Hiên nay chỉ tiêu đào tạo của nhiều trường đã vượt mức nhu cầu học tập của thanh niên trong độ tuổi. Do vậy hiện nay nguồn tuyển của các trường cũng có ít nhiều khó khăn. Do vậy một số trường cũng đã tìm cách có nhiều phương thức xét tuyển. Điểm xét tuyển cũng thấp đi để có thể có thêm nguồn tuyển. Việc các trường ấn định mức điểm sàn thấp quá, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh đầu vào, khó khăn cho quá trình đào tạo mà còn ảnh hưởng đến chính sách phân luồng sau trung học phổ thông của Chính phủ”- ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết.
Theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng và đến năm 2025 tỉ lệ này phải lên đến 45%. Như vậy, các trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp và tiếp theo là các trường trung cấp sẽ là chịu thiệt nhất của việc xét trúng tuyển ở mức điểm quá thấp của một số trường đại học.
Trên thực tế nhiều năm qua, mặc dù có đưa ra mức điểm trúng tuyển thấp đến bao nhiêu đi nữa thì những trường Đại học này cũng khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu. Bởi vấn đề không nằm ở chỗ điểm trúng tuyển là bao nhiêu mà ở chỗ số thí sinh có muốn theo học hay không./.