Nghỉ hè thì trường học nào cũng có rất nhiều hạng mục được xây dựng, sửa chữa, sơn sửa lại trường lớp, mua sắm bàn ghế mới, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong nhà trường.
Những khoản đầu tư để sửa chữa, mua bán này đương nhiên hiệu trưởng, kế toán nhà trường sẽ có những khoản chênh lệch giá và "hoa hồng" nhất định.
Tuy nhiên, những khoản này đòi hỏi hiệu trưởng và kế toán nhà trường cũng phải đau đầu để đối phó với cấp trên về giá cả kể từ khi làm kế hoạch và khi bị kiểm tra về tài chính.
Rất nhiều loại "hoa hồng" tự đến với hiệu trưởng (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet.vn)
Bước vào năm học mới, có những khoản hoa hồng tự nhiên đến mà hiệu trưởng cũng như kế toán nhà trường không cần phải làm kế hoạch, không phải mua hóa đơn và càng không phải lo chuyện đối phó với cấp trên.
Họ không chỉ hưởng hoa hồng mà đôi khi còn nghĩ đến chuyện tăng giá các sản phẩm để bán cho học trò đầu năm học.
Nói thật, việc lạm thu trong các trường học bây giờ họ làm tinh vi lắm, ngoài những khoản thu thông thường thì họ nâng giá một số dịch vụ giáo dục. Chính vì thế, dù giáo viên, phụ huynh biết nhưng cũng khó có thể làm gì được các hiệu trưởng.
Những nhà cung cấp một số dịch vụ cho nhà trường muốn bán được sản phẩm thì đương nhiên phải chiết khấu hoa hồng thật nhiều.
Bởi, bây giờ người cung cấp thì nhiều, không mua của người này thì mua của người khác, Ban giám hiệu nhà trường thoải mái đỏng đảnh, lựa chọn những dịch vụ "ưng ý" nhất.
Chỉ riêng chuyện đồng phục đầu năm cũng khiến cho nhiều lãnh đạo nhà trường kiếm được một khoản tiền lớn. Học sinh vào trường thì đương nhiên phải mua đồng phục, mỗi em ít nhất cũng 2 bộ quần áo đồng phục mặc hàng ngày đi học và 1 bộ đồ thể dục.
Đồng phục học sinh “miếng bánh ngon” cho hiệu trưởng
Học sinh một số trường của các tỉnh phía Bắc còn phải mua đồng phục mùa đông.
Mỗi học sinh có ít cũng phải bỏ ra 400-500 ngàn đồng mua đồng phục đầu năm. Nhiều trường bây giờ họ ra chiêu rất độc là quần áo đồng phục và thể dục mỗi khối một màu khác nhau.
Họ lý giải là để dễ phân biệt học sinh khối nào nhằm thuận lợi trong việc quản lý. Nhưng, thực tế là những bộ quần áo của học trò chỉ có thể mặc được trong một năm rồi bỏ. Hơn nữa, tuổi học sinh là tuổi ăn, tuổi lớn nên quần áo cũng chỉ mặc được một năm là phải mua cái khác.
Vì thế, hoa hồng và hưởng giá chênh lệch năm nào cũng đều đều đến với một số người trong nhà trường.
Những dịch vụ như tin nhắn điện tử lúc nhắn, lúc không. Mỗi năm cũng chỉ nhắn chủ yếu vào dịp kiểm tra học kỳ kết thúc nhưng mỗi phụ huynh cũng phải đóng từ 60- 120 ngàn đồng.
Tất nhiên, khi được nhà trường tư vấn về những lợi thế về dịch vụ này thì đương nhiên phụ huynh cũng đồng ý đóng tiền. Bởi, xét đến cùng thì phụ huynh luôn là người bị động trong việc đóng góp, mua các dịch vụ cho con mình.
Tiền bảo hiểm y tế cũng được tăng đều hàng năm theo lương của cán bộ, công viên chức. Năm học 2019-2020 này, học sinh phải đóng số tiền để mua bảo hiểm y tế là 563.220 đồng. Và, mọi học sinh trong trường đều bắt buộc phải mua bảo hiểm này.
Hoa hồng trích lại nhiều năm nay được ấn định là 7% - số tiền này tính ra mỗi em cũng khoảng 40 ngàn đồng. Nói là để chăm sóc sức khỏe ban đầu nhưng có trường nào trích toàn bộ lại để mua thuốc thang đâu.
Giám sát sửa chữa trường lớp dịp hè – giám sát cái gì?
Tủ thuốc nhà trường bao giờ cũng chỉ vài vỉa thuốc đau đầu, đau bụng và vài chai dầu tượng trưng để chữa những bệnh thông thường, đơn giản.
Rồi tiền bảo hiểm tai nạn trong trường được các công ty bảo hiểm trích lại hàng là 40%.
Trường học bây giờ đa phần cũng phải từ 500 học sinh trở lên. Nhiều trường có từ 1000-1500 học sinh thì đương nhiên số hoa hồng được trích lại không hề nhỏ. Mỗi loại dịch vụ như vậy dồn lại thì đương nhiên sẽ thành những khoản tiền lớn.
Không chỉ ăn hoa hồng của học sinh, nhiều hiệu trưởng còn hưởng trọn gói hoa hồng mua bảo hiểm tai nạn hàng năm của giáo viên- dù giáo viên biết rất rõ khi mua bảo hiểm tai nạn 125 000/người/ năm thì hiệu trưởng được hưởng 40% số tiền này...
Bước vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm mệt mỏi với chuyện thu tiền của học sinh, giải trình những ý kiến thắc mắc của phụ huynh về các khoản tiền phải đóng thì một số người chỉ cần ngồi ung dung cũng có một khoản tiền lớn ngoài lương để bỏ túi riêng.
Trường nhỏ thì vài chục triệu, trường lớn thì có thể gấp đôi, gấp ba lần và chúng ra đều biết là hoa hồng không chỉ là những khoản mua bán, đóng góp đầu năm mà nó được diễn ra liên miên suốt năm học.
Cứ thế, những khoản hoa hồng cứ tự nhiên tìm đến với hiệu trưởng và nó cứ được lặp đi, lặp lại từ năm học này sang năm học khác.