“Thoi thóp” chờ sinh viên
Trong hệ thống 218 cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, học viện) và 33 trường cao đẳng, trung cấp đào tạo sư phạm hiện nay, không ít trường đang khan hiếm sinh viên, tổ chức xét tuyển đến hai lần vẫn còn trống nhiều chỉ tiêu.
Trường cao đẳng Sư phạm Nam Định thông báo tuyển sinh đợt III với tổng chỉ tiêu là 99, cụ thể như sau: Sư phạm Toán học (10 chỉ tiêu), Sư phạm Ngữ văn (10 chỉ tiêu), sư phạm Tiếng Anh (20 chỉ tiêu), Giáo dục Tiểu học (15 chỉ tiêu), Sư phạm Lịch sử - Địa lý (5 chỉ tiêu), Giáo dục mầm non (20 chỉ tiêu), Giáo dục thể chất (10 chỉ tiêu), Sư phạm Âm nhạc (4 chỉ tiêu) và Sư phạm Mỹ thuật (5 chỉ tiêu).
Theo thông tin tuyển sinh của trường cao đẳng Sư phạm Nam Định, đợt xét tuyển thứ II, chỉ có 36 thí sinh trúng tuyển.
Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai thông báo tuyển bổ sung 65 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non và 47 chỉ tiêu ngành Giáo dục tiểu học. Trường cũng tuyển thêm 23 chỉ tiêu ở bậc trung cấp Sư phạm mầm non. Điểm chuẩn 2 ngành cao đẳng Sư phạm đợt 1 là 16 - bằng mức sàn theo quy định của bộ GD&ĐT; hệ trung cấp là 19,5 (tổng điểm trung bình môn Ngữ văn, Toán lớp 12 và điểm thi năng khiếu, cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng).
Số lượng tuyển bổ sung chiếm phần lớn tổng chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh. Trong đợt 1, trường đã phải “xóa sổ” 3 ngành là Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Tiếng Anh do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít.
Trường cao đẳng Sư phạm Kiêng Giang cũng thông báo về việc xét tuyển bổ sung đợt I năm 2019-2020 đối với chỉ tiêu các ngành hệ cao đẳng như sau: 44 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non, 7 chỉ tiêu Giáo dục Tiểu học, 18 chỉ tiêu ngành Sư phạm Toán - Tin, 5 chỉ tiêu ngành Sư phạm Ngữ văn, 11 chỉ tiêu ngành Sư phạm Sử - Địa, và 7 chỉ tiêu ngành Sư phạm Tiếng Anh Tiểu học.
Đợt xét tuyển bổ sung đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào các ngành sư phạm là 16 điểm (tính cả điểm ưu tiên), riêng với Giáo dục mầm non (tổng điểm 2 môn văn hóa xét tuyển) + 2/3 (tổng điểm ưu tiên) phải đạt từ 10,67 trở lên.
Đối với hệ trung cấp, bổ sung 30 chỉ tiêu Sư phạm mầm non, 20 chỉ tiêu Sư phạm Mỹ thuật, 20 chỉ tiêu Sư phạm Âm nhạc và 30 chỉ tiêu Sư phạm mầm non (hệ vừa học vừa làm).
Đối với phương thức xét tuyển học bạ, học sinh tốt nghiệp THPT có học lực Khá trở lên, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 6,5 trở lên. Ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 5,0 trở lên.
Trường cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận cũng thông báo xét tuyển bổ sung đợt I năm học 2019-2020 với số lượng chỉ tiêu các ngành hệ cao đẳng như Sư phạm mầm non (22 chỉ tiêu) và Sư phạm Tiếng Anh (17 chỉ tiêu); đối với hệ trung cấp, ngành Tin học - Kế toán (39 chỉ tiêu) và ngành Tiếng Anh - Du lịch (31 chỉ tiêu).
Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk có 200/315 chỉ tiêu ở 9 ngành sư phạm phải xét tuyển bổ sung với điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt I (bằng điểm sàn của bộ GD&ĐT là 16 điểm). Chỉ tiêu bổ sung cụ thể các ngành như sau: Sư phạm Toán (30 chỉ tiêu), Sư phạm Sinh học (10 chỉ tiêu), Sư phạm Vật lý (10 chỉ tiêu), Sư phạm Địa lý (10 chỉ tiêu), Sư phạm Ngữ văn (30 chỉ tiêu), Giáo dục Tiểu học (30 chỉ tiêu) và Sư phạm Tiếng Anh (80 chỉ tiêu).
Trong đợt I, dù điểm chuẩn chỉ 16 điểm ở tất cả các ngành nhưng nhiều ngành chỉ có vài thí sinh đăng ký như: Sư phạm Toán có 1 thí sinh, Sư phạm Vật lý có 3 thí sinh, Sư phạm Ngữ văn có 3 thí sinh, Sư phạm Địa lý có 2 thí sinh, Sư phạm Tiếng Anh có 3 thí sinh. Đặc biệt, trong năm 2018, trường cũng chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu được giao.
Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt có tổng chỉ tiêu là 240 cho 10 ngành sư phạm và có 178 thí sinh trúng tuyển đợt I. Thế nhưng có đến 5 ngành “trắng” thí sinh, gồm: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Giáo dục thể chất. Trường tiếp tục hy vọng vào đợt xét tuyển thứ II để “cứu” lấy 5 ngành này.
Trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã kết thúc hai đượt xét tuyển và thông báo xét tuyển đợt III với 70 chỉ tiêu. Cụ thể, Giáo dục Tiểu học (20 chỉ tiêu), Sư phạm Vật lý (10 chỉ tiêu), Tiếng Nhật (10 chỉ tiêu), Tiếng Anh (10 chỉ tiêu), Kế toán (10 chỉ tiêu) và Quản trị văn phòng (10 chỉ tiêu).
Sau hai đợt xét tuyển đầu tiên, trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vẫn chưa đạt được chỉ tiêu năm học 2019-2020. Chính vì vậy, trường tiếp tục thông báo xét tuyển đợt III, bổ sung 160 chỉ tiêu, với các ngành cụ thể như sau: Giáo dục mầm non (40 chỉ tiêu), Giáo dục Tiểu học (25 chỉ tiêu), Giáo dục công dân (9 chỉ tiêu), Sư phạm Tin học (20 chỉ tiêu), Sư phạm Vật lý (10 chỉ tiêu), Sư phạm Sinh học (10 chỉ tiêu), Sư phạm Lịch sử (10 chỉ tiêu), Sư phạm Tiếng Anh (27 chỉ tiêu), Sư phạm Âm nhạc (4 chỉ tiêu) và Sư phạm Mỹ thuật (5 chỉ tiêu).
Trước đó, khi trường thông báo đợt xét tuyển bổ sung (đợt xét tuyển II) đã đưa ra tổng chỉ tiêu là 168. Tức là sau đợt xét tuyển II, trường chỉ mới tuyển thêm được 8 sinh viên. Sức sống với các ngành này của trường dường như đang rất mong manh!
"Bài toán" khó
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh sư phạm nhất là ở các trường cao đẳng, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT nhận định: “Tuyển sinh sư phạm tại các trường cao đẳng là một “bài toán” khó hiện nay. Các trường đào tạo bậc đại học nói chung và các trường đào tạo sư phạm nói riêng của Việt Nam hiện nay theo cách tổ chức cũ, đào tạo liền một mạch theo ngành “hẹp”, đơn lĩnh vực”.
“Trước nhu cầu của nền kinh tế thị trường, các trường nên thay đổi thành các trường đào tạo đa lĩnh vực, tạo nhiều thuận lợi, đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học, liên kết đa dạng giữa nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các trường vẫn còn tư duy “bảo thủ”, giữ nguyên đơn lĩnh vực; chỉ có số ít trường sư phạm thức thời như đại học Sư phạm Vinh (sau thành đại học Vinh), đại học Sư phạm Quy Nhơn (sau thành đại học Quy Nhơn),… là tự đổi mới mình, trở thành trường đại học đa lĩnh vực để thu hút sinh viên. Mà chính những trường đào tạo đơn lĩnh vực thường khó khăn trong việc tuyển sinh hơn”, ông phân tích.
GS. Lâm Quang Thiệp cũng chỉ ra: “Thực tế hiện nay, nhu cầu về giáo viên không ngừng biến động, thừa thiếu tùy nơi, tùy lúc nên khi càng thừa thì giáo viên không có việc làm tăng, sinh viên không muốn chọn ngành sư phạm. Chính vì vậy các trường không tuyển sinh được! Giảng viên nhiều trường gần như được xem như thất nghiệp”.
Theo ông, cần có chủ trương đổi mới hệ thống sư phạm trong cả nước, đặc biệt, đổi mới trường sư phạm đa lĩnh vực và giải thể một số trường sư phạm ở các địa phương không có “sức sống” qua các mùa tuyển sinh vừa rồi.
Trước tình hình chung, ngành sư phạm đang thừa giáo viên “cục bộ”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng, vấn đề lương và các chính sách cho giáo viên cũng chưa thực sự hấp dẫn để thu hút được sinh viên giỏi theo ngành cho sư phạm thì việc tuyển sinh khó cũng là điều dễ hiểu.
Câu chuyện tuyển sinh ngành sư phạm đã khó khăn nhiều năm nay, điển hình là nhiều trường phải nâng điểm chuẩn lên “kịch trần” để đánh trượt thí sinh vì quá ít thí sinh đăng ký không đủ điều kiện để mở lớp, như đại học Đồng Nai...
Trước đó, trong buổi Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có những chỉ đạo cụ thể các trường phải thực sự nâng cao chất lượng đào tạo để tạo uy tín cho mình hoặc nếu không buộc phải sáp nhập hoặc bị xóa sổ vì không đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Thủ tướng chỉ rõ nhiệm vụ trong năm học tới: “Đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm tập trung vào các trường đại học sư phạm trọng điểm, các trường khác phải có lộ trình làm “vệ tinh” bồi dưỡng giáo viên cho trường trọng điểm. Các trường sư phạm phải gắn kết chặt chẽ đào tạo hệ thống giáo viên với nhu cầu xã hội. Địa phương phải đặt hàng các trường sư phạm về cơ cấu và chất lượng.
Các cơ sở giáo dục đại học phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng điều kiện. Hiện nay, nhiều trường không đảm bảo điều kiện chất lượng, hạ điểm chuẩn thấp, vơ vét học sinh đầu vào; mượn giáo viên cơ hữu; điều kiện không đủ về phòng học, dẫn đến chất lượng đào tạo giáo dục đại học thấp”.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Bộ GD&ĐT phải tiến hành kiểm tra lại các trường đại học “hữu danh vô thực”, yêu cầu trình Chính phủ đóng cửa những cơ sở giáo dục chất lượng kém kéo dài. Trường đại học phải là nơi đào tạo ra những cán bộ làm việc, hội nhập sâu rộng chứ không phải chỉ để lấy bằng”.