Nhập học rồi bị đuổi học
Mở đầu buổi gặp gỡ hơn 5.000 tân sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cảnh báo: “Nhiều em quan niệm vào ĐH là học đại cho xong, có bằng rồi đi tìm việc. Trên thực tế, bước chân vào ĐH là bạn trở thành thuyền trưởng trên con thuyền tương lai của chính mình. Do đó, các em phải biết đích đến và lộ trình, có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng trong 4 năm”.
Thực tế, mỗi năm vẫn có nhiều sinh viên nhập học của trường bị đuổi học và đa phần đều không có kế hoạch học tập, không tìm thấy đam mê. Do đó, muốn đi đến thành công trong quãng đời ĐH, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhắn nhủ không thể thiếu niềm đam mê, hãy học vì tương lai của chính mình và kỳ vọng, niềm tin của gia đình.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, chia sẻ bên cạnh niềm vui bước vào “đời sinh viên” thì có cả gánh nặng cho bản thân và gia đình. Nhiều phụ huynh đã phải làm đơn xin được chậm đóng học phí vì chưa chuẩn bị đủ, vì phải lo chi phí ăn, ở... Do đó, nếu không có tính tự lập cao, không biết tính toán, sinh viên sẽ bị “gánh nặng” ấy đeo bám ngay từ khi nhập học và rất dễ quỵ ngã do đuối sức.
Ghi nhận từ nhiều trường ĐH cho thấy, hàng trăm, hàng ngàn sinh viên ở các trường đã bị đình chỉ, đuổi học với rất nhiều lý do. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hơn 1.000 sinh viên bị buộc thôi học từ năm 2012-2015. Trung bình mỗi năm học, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM có hơn 2.000 sinh viên bị cảnh cáo và buộc thôi học, trong đó có hơn 1.000 sinh viên bị buộc thôi học (gồm hơn 100 sinh viên hệ ĐH, còn lại là sinh viên cao đẳng). Trường ĐH Ngân hàng TPHCM mỗi năm cũng có gần 400 sinh viên bị buộc thôi học; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM buộc thôi học gần 300 sinh viên một năm; Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ học tập 194 sinh viên...
Mới đây nhất, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM đã quyết định ngừng học 1 năm với 117 sinh viên hệ cao đẳng do xếp loại rèn luyện kém. Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM thông báo hơn 900 sinh viên bị trường đánh giá 0 điểm rèn luyện, xếp loại kém, trong đó gần 700 sinh viên đang theo học, số còn lại là sinh viên bảo lưu, thôi học hoặc bị đình chỉ.
Không lơ là, chủ quan
Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho biết tân sinh viên cần lưu ý về việc đăng ký học phần các môn học. Ở học kỳ đầu tiên, theo quy chế đào tạo tín chỉ, các trường sẽ áp các môn học trong học kỳ này, sinh viên theo đúng lịch thực hiện. Việc đăng ký học phần ở học kỳ đầu tiên rất quan trọng, nhưng nhiều tân sinh viên chưa ý thức được vấn đề này, vì vậy dẫn đến hay sai sót do không quan tâm.
“Một vấn đề mà tân sinh viên thường bị mắc phải là trong thời gian đăng ký học phần tín chỉ, sinh viên hay đăng ký theo nhóm bạn. Khi có học phần nào trễ sẽ dẫn đến bỏ, rồi quên, đến khi gần cuối khóa mà các học phần đầu khóa vẫn chưa học. Do đó, tân sinh viên nếu lơ là không đăng ký học một học kỳ nào đó coi như mất đứt nữa năm”, Th.S Hứa Minh Tuấn nhấn mạnh.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, học ĐH chủ yếu là tự học thông qua nhiều hình thức. Các em phải tìm hiểu và thích nghi với cách dạy và học mới của nhà trường như: Blended, Teamwork, learning by making - học theo dự án. Sáng tạo và khởi nghiệp ngay trong thời gian học ĐH cũng có thể giúp các em vươn lên làm những người chủ. Kỹ năng mềm cũng là yếu tố quan trọng cho sự thành công của sinh viên trong tương lai, được hình thành trong quá trình học trên lớp, học ngoài giờ và thông qua phong trào đoàn, hội, câu lạc bộ. Ngoại ngữ phải được xác định là chìa khóa thành công cho các em.
Theo đại diện nhiều trường ĐH, làm thêm để trang trải cuộc sống, học tập cũng thật sự cần thiết. Tuy nhiên, tân sinh viên phải cân đối giữa việc học và làm thêm. Trước khi có ý định làm thêm cần đến trung tâm quan hệ doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ sinh viên để được hỗ trợ.
Ngoài vấn đề học, việc tham gia các hoạt động cộng đồng cũng là điều sinh viên cần phải có, nếu không sinh viên cũng không thể đủ điều kiện tốt nghiệp. Điểm rèn luyện của sinh viên được tính dựa trên 5 tiêu chí: ý thức tham gia học tập; sự chấp hành quy chế, nội quy, quy định nhà trường; ý thức tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; ý thức công dân trong quan hệ cộng đồng; tham gia các hoạt động đoàn thể trong trường.
Đừng xem thường nợ môn Th.S Hứa Minh Tuấn cho biết, nhiều tân sinh viên sẽ nghe câu “không thi lại, học lại, chưa phải là sinh viên”, “phi thi lại bất thành đại học”, nhưng hãy coi chừng. Nhiều em lơ là, tự nghỉ học, không đăng ký... dẫn đến nợ môn và hậu quả là ám ảnh với trả nợ, rồi trở thành nợ khó trả. Do đó, nhiều em phải ra trường muộn vì chưa đủ điều kiện tốt nghiệp. |