Sinh viên một trường cao đẳng trong giờ học thực hành
Hơn chục năm qua, song song với phát triển giáo dục đại học, GDNN cũng phát triển khá nóng, cả công lập lẫn ngoài công lập. Sự phát triển nhanh chóng GDNN đã xuất hiện những thách thức về chất lượng, hiệu quả, cũng như về năng lực quản lý: chồng chéo quản lý giữa các cơ quan, dẫn đến việc nguồn lực đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa cao; phân tán nguồn lực và rất cạnh tranh trong tuyển sinh giữa các trường.
Nhiều bất cập
Đánh giá chung về hạn chế của hệ thống GDNN hiện nay, có thể thấy những điểm sau: Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng; hiệu quả GDNN chưa cao, nhiều chương trình được đầu tư nhưng thiếu tính kế thừa; chương trình thuộc nhiều dự án dạy nghề thiếu phát triển nhân rộng; nhiều cơ sở GDNN được đầu tư rất lớn, thiết bị hiện đại nhưng không phù hợp hoặc không tuyển sinh được…
Quản lý GDNN có những đổi mới nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do chia cắt trong quản lý nhiều năm, dẫn đến nguồn lực đầu tư bị dàn trải, không phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước. Mặt khác, năng lực xây dựng chiến lược và thực hiện chiến lược nhiều hạn chế trong việc xác định bối cảnh, mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện; thiếu sự đồng thuận về tầm nhìn phát triển GDNN cũng như sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan, giữa trung ương và chính quyền địa phương... Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những bất cập trên chính là công tác quy hoạch phát triển GDNN, bao gồm mạng lưới các trường, phân bố theo ngành kinh tế và theo lãnh thổ, ngành nghề đào tạo trong các trường, cũng như cơ chế phối hợp công - tư trong GDNN chưa thật rõ ràng và thiếu định hướng chiến lược.
Tuy nhiên, có thể nói chưa bao giờ GDNN có cơ hội phát triển như hiện nay, đó là được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư; có sự thống nhất quản lý nhà nước về một đầu mối để tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư khóa XI và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã chỉ ra định hướng phát triển của giáo dục đào tạo nói chung và GDNN nói riêng.
Song song đó, GDNN cũng đang đứng trước nhiều thách thức cần phải vượt qua như: mở rộng quy mô tuyển sinh và nhanh chóng nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật; khung trình độ quốc gia và cơ cấu lại hệ thống GDNN; sắp xếp đội ngũ giáo viên, giảng viên dư dôi hoặc thiếu năng lực đáp ứng; thiếu kết nối giữa GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động...
Những giải pháp nào?
Trước những hạn chế và thách thức như vậy, việc quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo cùng ngành nghề đào tạo là một giải pháp quan trọng khắc phục những yếu kém và nhằm hiện đại hóa các cơ sở GDNN, huy động nguồn lực nhiều hơn cho GDNN.
Việc quy hoạch sẽ liên quan đến sáp nhập, giải thể, sắp xếp lại mạng lưới GDNN, nên là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là sự đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của một số bên liên quan, sự xung đột văn hóa tổ chức, niềm tin và các quan niệm về giá trị giữa các cơ sở đào tạo khi sáp nhập. Cần nghiên cứu tìm hiểu một số trường yếu kém do nguyên nhân gì? Từ đó có giải pháp tương thích, tránh quy hoạch mang tính áp đặt.
Đặc biệt, chính sách quy hoạch nhất quán nhưng cần thực hiện đa dạng theo nhu cầu và đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, tránh tình trạng áp đặt một kiểu cho tất cả, mà cần có dự báo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quy hoạch cần có mục tiêu, không chỉ là sáp nhập và giải thể, mà phải quy hoạch cả ngành nghề đào tạo, không để sự chồng chéo ngành nghề đào tạo giữa các trường mà chất lượng thấp, cung vượt quá cầu. Trước khi sáp nhập rất cần xác định mô hình trường, chiến lược phát triển nhà trường sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức đào tạo, quản lý, sử dụng nguồn lực hậu sáp nhập..., tránh thất thoát lãng phí do tham nhũng trục lợi.
Để công tác quy hoạch phát triển GDNN mang lại hiệu quả, có thể có một số gợi ý sau: (1) Đề xuất Ban Bí thư có một chỉ thị riêng về quy hoạch phát triển GDNN, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng; (2) Xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để sáp nhập hoặc giải thể, thành lập mới.Tiêu chuẩn dựa theo các tiêu chuẩn chất lượng (điều kiện đảm bảo chất lượng), hiệu quả (năng suất đào tạo, tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động địa phương) và tiêu chuẩn về cơ hội học nghề (những vùng khó khăn cần chú ý khi xây dựng tiêu chuẩn); (3) có phương án xử lý về con người (tiêu chuẩn lãnh đạo quản lý ở trường sau khi sáp nhập) và cơ sở vật chất (nhất là đất đai) sau khi quy hoạch; (4) Hình thành mới và củng cố các trường cao đẳng cộng đồng, khi đó mới thấy rõ cao đẳng thuộc GDNN là hợp lý theo kinh tế thị trường, đảm bảo cơ hội tiếp cận GDNN cho mọi người qua việc cung cấp các khóa học mềm dẻo, mở suốt đời, từ vài ba ngày cho đến 3 - 6 tháng, 1 - 2 năm; (5) Mở thêm mới và đồng thời đóng cửa một số chương trình đào tạo ở một trình độ có sự chồng chéo, ưu tiên dành cho các trường ngoài công lập đào tạo những ngành mà họ làm được, các trường công lập tập trung vào những ngành chất lượng cao mà các trường ngoài công lập không đầu tư, hoặc đào tạo theo những ngành mà Nhà nước có nhu cầu ưu tiên cao nhất.
TS HOÀNG NGỌC VINH