Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội (Ảnh: HCEM).
Đây là một trong những nội dung chính trong Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đề án định hướng phát triển trường cao đẳng (không bao gồm trường cao đẳng sư phạm) chất lượng cao đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đề án hướng tới phát triển trường cao đẳng chất lượng cao trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về đào tạo nghề của thế giới; bảo đảm tính hệ thống, dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, các giải pháp đồng bộ, khả thi.
Đồng thời, chú trọng tới phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn để đạt tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao; đồng thời khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường cao đẳng khác được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao.
Mục tiêu tổng quát của đề án là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao. Đến năm 2025, có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.
Đến năm 2020, thí điểm đào tạo 34 ngành, nghề theo các chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ cho những trường được lựa chọn có năng lực đào tạo tốt để đến năm 2020 có khoảng 40 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, từng bước mở rộng đào tạo các ngành, nghề đã thí điểm, có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được các tổ chức giáo dục đào tạo quốc tế có uy tín đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ. Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao. Trong đó, ba trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng và ban hành các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao về: quy mô đào tạo; trình độ nhà giáo; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; quản trị nhà trường; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo.
Trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao.
Đồng thời, lựa chọn một số trường cao đẳng có năng lực đào tạo tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao. Qua đó, có kế hoạch, lộ trình hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo và được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao theo mục tiêu của Đề án.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới đối với các trường cao đẳng được lựa chọn.
Xây dựng và áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng ở các trường cao đẳng được lựa chọn; triển khai số hóa các hoạt động quản lý đào tạo, quản lý chất lượng, quản lý cán bộ, nhà giáo; mô phỏng hóa các chương trình đào tạo, trước hết là cho các ngành, nghề trọng điểm.
Về cơ chế, chính sách phát triển trường cao đẳng chất lượng cao, có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các trường cao đẳng (công lập và tư thục) tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao. Cũng khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trực tiếp cùng với nhà trường tổ chức đào tạo một số ngành, nghề trọng điểm gắn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao được Nhà nước ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách nhà nước.
Việc đánh giá, công nhận trình độ của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các ngành, nghề đào tạo theo chương trình được chuyển giao phải được tổ chức giáo dục, đào tạo có uy tín trên thế giới có chức năng đánh giá, thẩm định và công nhận bằng cấp thực hiện.
Về kinh phí thực hiện, giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động được phê duyệt tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26-8-2016 của Chính phủ, Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 23-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách trung ương hỗ trợ theo cơ chế có mục tiêu từ các chương trình, dự án trọng điểm trong khả năng cân đối hằng năm.
Ngoài ra, còn có kinh phí huy động, lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án trong và ngoài nước được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó là nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện và công nhận trường cao đẳng chất lượng cao theo quy định.
Trước đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 761/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án "Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020" (Ðề án 761). 45 trường công lập được lựa chọn để đầu tư trọng điểm, với mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Quyết định cũng không giới hạn các trường khác nếu đáp ứng được tiêu chí thì cũng sẽ được công nhận là trường chất lượng cao.