Đoàn công tác tham quan hồ bơi của nhà trường
Buổi làm việc nhằm rà soát các chính sách, văn bản có liên quan đến công tác TDTT, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chế độ chính sách, các giải pháp góp phần cho TDTT phát triển thời gian tới…
Dù được đào tạo bài bản nhưng SV rất khó nộp hồ sơ vào trường THPT
Báo cáo với đoàn công tác về các nội dung triển khai Nghị quyết trong thời gian từ năm 2015-2019, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong thời gian qua Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng việc giảng dạy và học tập đạo đức, lối sống, giáo dục công dân trong trường học. Đội ngũ giảng viên trường đảm bảo trình độ chuẩn; đội ngũ cán bộ quản lý được đánh giá hằng năm đều có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn nghiệp vụ phù hợp từng vị trí, đảm bảo cơ cấu về độ tuổi. Công tác chính trị tư tưởng trong lực lượng công chức, viên chức, người lao động được quan tâm triển khai và thực hiện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Qua đó xây dựng được ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong hệ thống chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong đội ngũ, kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao,…
Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với các đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng; đặc biệt là nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, chất lượng đào tạo và khoa học công nghệ.
Giải đáp câu hỏi của đoàn công tác về nguồn nhân lực mà Trường ĐH TDTT TP.HCM đào tạo cho khu vực phía Nam và TP.HCM, đại diện nhà trường cho biết, trong những năm qua, Nhà trường đào tạo rất nhiều giảng viên cho các trường phía Nam. Cụ thể, đã đào tạo 27 lớp vừa làm vừa học chuyên ngành giáo dục thể chất với gần 1.400 học viên, đối tượng này rất đặc thù vì vừa là giáo viên, vận động viên hoặc huấn luyện viên. Trong tổng số hơn 4.000 sinh viên tốt nghiệp, chiếm 28% là sinh viên TP.HCM. Tương tự, tỉ lệ thạc sĩ chiếm hơn 30% trong tổng số trên 1.100 học viên đã tốt nghiệp,… Đội ngũ tiến sĩ do trường đào tạo hầu hết làm việc trong các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn TP. Thống kê cũng cho biết, có hơn 90% sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm. “Nhưng cái khó hiện nay là sinh viên ngành giáo dục thể chất hoặc huấn luyện của trường rất khó nộp hồ sơ vào các trường phổ thông dù các sinh viên này được đào tạo bài bản, chất lượng, lý do là các ngành nói trên không thuộc mã ngành đào tạo sư phạm, mặc dù cùng danh mục với mã ngành đào tạo giáo viên. Điều này gây thiệt thòi cho sinh viên”, Bí thư Đảng ủy Nhà trường cho biết.
Những kiến nghị phù hợp
Theo ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, trong thời gian qua Trường đã hỗ trợ ngành TDTT TP.HCM rất lớn, bao gồm giúp cơ sở vật chất, sân bãi, điều kiện cho các vận động viên TDTT đến tập luyện… “Cơ sở vật chất TDTT của TP hiện không đảm bảo cho thể thao thành tích cao, chủ yếu phục vụ cho TDTT quần chúng vì thế trường đã hỗ trợ cho TP rất nhiều trong công tác này. Tuy vậy, hiện cơ sở vật chất của trường cũng còn thiếu nhiều, Sở và trường đã bàn với nhau nhiều lần, tìm giải pháp cải thiện một số hạng mục nhưng còn khó khăn về cơ chế nên chưa thực hiện được”, ông Hùng nói.
PGS.TS Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng nhà trường tâm tư, nguồn nhân lực TDTT chính của TP được đào tạo chủ yếu từ Trường nhưng hiện Trường chưa có được nhiều hỗ trợ từ phía TP. Ông Việt kiến nghị Thành ủy TP.HCM xem xét và bổ sung Trường vào diện hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ như Kết luận số 330 của Ban Thường vụ Thành ủy đối với 25 cơ sở đào tạo ĐH đóng trên địa bàn TP. Đồng thời tiếp tục triển khai Quyết định số 1400 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, TDTT và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030,… Ông Mai Bá Hùng cho biết Sở VHTT TP đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực, tới đây Sở sẽ làm văn bản xin gặp riêng Chủ tịch UBND TP để trình bày các khó khăn, trong đó có chương trình mục tiêu cho ngành văn hóa, thể thao.
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hoài vui mừng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Trường ĐH TDTT TP.HCM đã thực hiện được trong thời gian qua, điều này đã tạo thương hiệu cho trường trong khu vực phía Nam, đặc biệt là ghi nhận những đóng góp, hỗ trợ công tác TDTT cho TP.HCM. “Với các kiến nghị của trường tôi cho rằng rất phù hợp trong tình hình thực tế hiện nay, trong thời gian tới Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ đưa vào các chương trình của TP”, bà Hoài nói và mong muốn nhà trường phát huy hơn nữa thành quả đạt được trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh việc mời đội ngũ chuyên gia quốc tế để nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện, trao đổi học thuật.