Từ năm 2017 đến nay, giữa sinh viên, phụ huynh Trường ĐH Tân Tạo (TTU) và Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đức (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) vướng vào tranh chấp pháp lý xung quanh học bổng đã phát cho sinh viên. Và câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết!
Phụ huynh, sinh viên mệt mỏi rời TAND huyện Châu Thành A (Hậu Giang) chiều ngày 31-10
Học bổng không như là mơ
Năm học 2012-2013, GS-TS Võ Tòng Xuân làm Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo và phát đi thông điệp tặng 500 học bổng toàn phần cho sinh viên trúng tuyển. Điều kiện nhận học bổng được quy định là điểm trung bình năm lớp 10, lớp 11 và 12 đạt 7,0 và không có điểm môn nào dưới 5.0. Tất cả thi sính trúng tuyển vào Trường ĐH Tân Tạo đều được học bổng toàn phần, trong đó, ngành Y khoa có 39 sinh viên trúng tuyển. Sang các năm sau, số sinh viên trúng tuyển ngành Y khoa tăng lên (năm 2014 có 105 sinh viên, năm 2015 có 149 sinh viên, năm 2016 có 95 sinh viên)...
“Lúc nhận học bổng, em cũng như các bạn chỉ làm thủ tục nhập học và nộp hồ sơ, ghi thông tin họ tên, địa chỉ liên lạc chứ không phải ký thêm bất cứ giấy tờ cam kết nào khác để được nhận học bổng”, sinh viên Đỗ Nhật Minh Trực (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết.
Một phụ huynh có con trúng tuyển Trường ĐH Tân Tạo năm 2013 chia sẻ: “Chính tôi đã đến tận trường tham quan, gặp thầy hiệu trưởng và không chút đắn đo khi quyết cho con theo học ngành Y khoa tại trường. Thế nhưng tình hình ngày càng tệ khi trường tăng học phí liên tục. Và đến nay, chỉ vì học bổng đã nhận mà con chúng tôi dù đã chuyển trường vẫn bị trường kiện ra tòa đòi phải bồi thường lại gấp đôi”.
Theo tìm hiểu, sinh viên trúng tuyển các khóa 2013-2019, 2014-2020, 2015-2021 của Trường ĐH Tân Tạo khi nhận học bổng không có bất kỳ hợp đồng ràng buộc nào và cũng không hề biết có quy định phải hoàn trả học bổng khi nghỉ học. Đến tháng 9-2015, chính sách học bổng của nhà trường mới xuất hiện nội dung “sinh viên nghỉ học giữa chừng không vì lý do sức khỏe buộc hoàn lại tất cả các khoản học bổng đã cấp”.
Làm khó sinh viên
Ngày 31-10-2019, TAND huyện Châu Thành A (Hậu Giang) tiến hành xét xử sơ thẩm vụ việc kiện đòi học bổng. Phía nguyên đơn gồm Trường ĐH Tân Tạo và Công ty CP Tân Đức có 3 người đại diện nhưng phía nhà trường không có mặt hiệu phó, hiệu trưởng.
Phía bị đơn gồm sinh viên Ngô Trung, sinh viên Đỗ Nhật Minh Trực. Tuy nhiên, phiên tòa tạm hoãn “vì lý do cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu mà phần lớn là phía nguyên đơn không đủ chứng cứ để cung cấp”.
Theo tìm hiểu, trong số 81 sinh viên đã chuyển trường, có 26 sinh viên bị Trường ĐH Tân Tạo giữ hồ sơ gốc. Số sinh viên này hiện đã thuê luật sư và gửi đơn khởi kiện nhà trường, yêu cầu hoàn trả học phí đã đóng dư và trả hồ sơ gốc.
Còn phía Công ty CP Đầu tư Tân Đức đang kiện 4 sinh viên (2 trường hợp đã chuyển đến TAND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang; 2 trường hợp khác là Lê Trọng Hà và Giang Triều Long, TAND quận 11, TPHCM thụ lý).
Liên hệ với ban giám hiệu nhà trường về việc xem xét giải quyết trả hồ sơ giấy tờ (bản chính) cho những sinh viên chuyển trường, ông Mai Đức Toàn, đại diện nhà trường, cho biết: “GS Thạch Nguyễn là quyền hiệu trưởng (trong các quy định của Việt Nam không có quy định quyền hiệu trưởng - PV), đang ở Mỹ, 1 tháng thầy về một lần. Tôi có báo cáo lãnh đạo và đề nghị dứt điểm để tuyển sinh và tạo hình ảnh mới cho trường. Anh chờ vài hôm xem họ trả lời từ Mỹ như thế nào”.
Trong khi đó, với các quy định đã ban hành như Quy chế tuyển sinh, Điều lệ trường đại học, Luật Giáo dục Đại học (2012)... Bộ GD-ĐT có thể căn cứ và giải quyết thỏa đáng cho sinh viên. Vì nếu không có được các hồ sơ gốc như bằng tốt nghiệp, học bạ THPT, giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh đại học, sinh viên chuyển trường khi xét tốt nghiệp sẽ gặp khó khăn. Thế nhưng, sau khi tiếp nhận đơn của phụ huynh, một Phó chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT lại có công văn trả lời và hướng dẫn phụ huynh “có thể thực hiện việc khởi kiện tại tòa án về việc không trả hồ sơ theo quy định của pháp luật”.
Trong khi, chính Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có kết luận ngày 23-1-2017, chỉ rõ: “Trường ĐH Tân Tạo có nhiều sai phạm nghiêm trọng về tuyển sinh, thiếu giảng viên, tuyển sinh ngành đã bị đình chỉ, học phí, cấp bằng sai quy định...”.
Theo hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM: Nếu có đầy đủ chứng cứ như hợp đồng thỏa thuận nhận học bổng, điều kiện ràng buộc giữa nhà trường và sinh viên thì sinh viên phải hoàn trả. Còn nếu không thì rất khó để xử lý và nhà trường kiện chỉ làm mất hình ảnh, uy tín của mình. Và cho dù có hợp đồng ký kết khi nhận học bổng, khi người học chuyển trường thì phải hoàn trả đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Còn việc tranh chấp về học bổng để tòa án xử lý.
Chắc chắn, cuộc đấu pháp lý xung quanh học bổng giữa Trường ĐH Tân Tạo và sinh viên sẽ còn kéo dài, chưa hồi kết. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần vào cuộc, có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của sinh viên.