Sinh viên trường đạt chuẩn học trong… nhà xưởng
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia của Bộ GD-ĐT vào tháng 5-2017, với tỷ lệ số tiêu chí đạt yêu cầu là 80,33%. Tại lễ nhận chứng nhận, lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ tiếp tục đầu tư phát triển về những điều kiện đảm bảo chất lượng, để đến năm 2022 đạt mức 5/7 trong đánh giá kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục ĐH theo bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới Các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA).
Thế nhưng, hiện nay trường thuê đến 5 địa điểm để đào tạo. Toàn bộ sinh viên hệ cao đẳng của trường này được cho học tại Trường Trung cấp Âu Việt (15 Lương Minh Nguyệt, quận Tân Phú). Trong khi đó, sinh viên hệ ĐH nhiều ngành phải học tại nhà xưởng trên đường Chế Lan Viên (quận Tân Phú).
Đáng nói nhất là Trung tâm Giáo dục Phổ thông (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm) sau khi có quyết định giải thể từ năm 2015 đến nay, tất cả học sinh (từ lớp 10 đến lớp 12) đều phải học tại những cơ sở do trường đi thuê. Hiện nay, trung tâm này thuê 3 địa điểm để dạy (đều trên địa bàn quận Tân Phú). Tương tự, Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường TPHCM nhiều năm nay thuê rất nhiều phòng học tại Trường Dự bị ĐH (quận 5) để đào tạo.
Trong khi đó, hàng loạt trường quốc tế như Trường Cao đẳng Quốc tế Cetana PSB Intellis thuộc Công ty TNHH Centena Việt Nam, Trường Cao đẳng Quốc tế Kent thuộc Công ty TNHH Quốc tế Kent (được cấp phép đầu tư, hoạt động từ năm 2003)…, nhiều năm nay đã thuê mướn hết cơ sở này đến cơ sở khác để sinh viên, học viên có chỗ học. Riêng Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis, hiện nay văn phòng không còn đặt tại TPHCM. Các trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Quốc tế, CĐ Quốc tế TPHCM… cũng thuê, mướn cơ sở.
Sinh viên, học sinh lãnh đủ
Học sinh N.C.T. (lớp 11 Trung tâm Giáo dục Phổ thông - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM) cho biết: “Lúc tuyển sinh, các thầy cô giới thiệu được học với cơ sở vật chất hiện đại, hơn những nơi khác, nhưng thực tế khi vô học, tụi em phải học trong các nhà xưởng thuê lại, phòng học nhếch nhác”.
Các sinh viên hệ cao đẳng của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng bức xúc: “Khi nộp hồ sơ tại trường, các thầy cô nói học tại cơ sở chính (đường Lê Trọng Tấn), nhưng khi nhập học lại đẩy tụi em sang học ở một trường trung cấp chật chội, phải chạy đi chạy lại, chỗ gửi xe cũng không có”.
Trong khi đó, với sinh viên học hệ liên thông chính quy ngành Dược học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, việc học không hề đơn giản. Sinh viên N.H.T. kể: “Sáng em chạy hơn 20km từ quận 6 lên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Hóc Môn để học. Học xong 2 môn, em phải chạy hơn 22km về quận 4 học tiếp. Sau đó, từ quận 4 chạy qua Bệnh viện Quân y 175 ở Gò Vấp hơn 10km để học tiếp buổi chiều. Tụi em cũng nhiều lần ý kiến xin được học tập trung một chỗ nhưng nhà trường vẫn không giải quyết”.
Trong khi đó, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến cũng phải di chuyển địa điểm học liên tục. Bạn T.T.D., sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, cho biết: “Chúng em rất vất vả khi di chuyển từ quận này sang quận khác để học. Có hôm thì học ở cơ sở chính tại quận Tân Bình, hôm thì chạy qua quận 10, hôm thì chạy qua quận Gò Vấp để học”.
“Trong quá trình kiểm định chất lượng cho nhiều trường, tôi thấy cái thiếu và yếu nhất hiện nay của các cơ sở đào tạo tại Việt Nam là đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều cơ sở tại TPHCM và một số tỉnh thành khác, khi chúng tôi tiếp nhận hồ sơ họ gửi đến, xem qua là chúng tôi đã thẳng thừng từ chối kiểm định ngay. Thế nhưng, nhiều trường trong số đó vẫn đạt chuẩn kiểm định! Nếu các cơ sở chỉ chạy đua để gắn nhãn chuẩn chất lượng mà không xây dựng được văn hóa chất lượng thật sự ngay từ bên trong trường, thì cho dù có gắn được nhãn nhưng người học không hài lòng thì có chuẩn cũng như không”, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết. |