Kiểm soát giáo trình nước ngoài

Thứ năm, 14 Tháng 11 2019 12:07 (GMT+7)
Sau sự cố giáo trình có “đường lưỡi bò” của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội), dư luận cho rằng các cơ sở giáo dục đại học đã chểnh mảng trong việc biên soạn, kiểm duyệt, sử dụng tài liệu, giáo trình nước ngoài.
Sinh viên tìm hiểu về văn hóa người Hoa tại TP Rạch Giá, Kiên Giang
Sinh viên tìm hiểu về văn hóa người Hoa tại TP Rạch Giá, Kiên Giang
Tuy nhiên, thực tế một số trường đã quan tâm đến vấn đề này rất sớm và luôn khuyến cáo việc sử dụng các tài liệu, giáo trình cho sinh viên, giảng viên.
Luật đã quy định rất rõ
 
Trước khi có Luật Giáo dục đại học năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 04/2011 quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học: “Các cơ sở giáo dục đại học không đủ điều kiện tổ chức biên soạn giáo trình thì hiệu trưởng tổ chức lựa chọn, duyệt giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo để làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.
 
Hội đồng khoa học - đào tạo khoa đề xuất danh mục các giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo. Hiệu trưởng thành lập hội đồng lựa chọn giáo trình, duyệt danh mục giáo trình để đưa vào sử dụng chính thức trong nhà trường. Căn cứ ý kiến của hội đồng lựa chọn giáo trình, hiệu trưởng xem xét và quyết định chọn giáo trình đã lựa chọn để phục vụ giảng dạy, học tập…”.
 
Đến năm 2018, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019) cũng giữ nguyên nội dung quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012. Cụ thể như sau: “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của hội đồng thẩm định giáo trình do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng (ngành sư phạm), đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học…”.
Kiểm soát giáo trình nước ngoài ảnh 1
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) tham khảo tài liệu nước ngoài tại thư viện
Đại diện nhiều trường đại học cho rằng, việc kiểm soát giáo trình đại học của Bộ GD-ĐT quy định khá chi tiết. Các quy định, trách nhiệm đã được luật định nên việc để lọt và xảy ra sự cố “đường lưỡi bò” ở giáo trình, tài liệu nước ngoài là trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường. Kế đến là hội đồng khoa học, khoa, trưởng bộ môn và giảng viên. Và hiện nay, các trường được tự chủ rất nhiều về chương trình đào tạo, liên kết quốc tế, tài liệu nước ngoài... nên bản thân các trường phải có trách nhiệm kiểm soát, loại bỏ ngay nếu có những nội dung không chính xác.
 
Không thể lơ là
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, Ban Giám đốc đã đề nghị Ban Đại học có văn bản chỉ đạo rà soát nội dung giáo trình, tài liệu để đảm bảo không có sự cố trong toàn ĐH Quốc gia TPHCM. Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, lãnh đạo nhà trường cũng đã có chỉ đạo cho lãnh đạo các khoa, bộ môn lưu ý thường xuyên công tác này. Ngay cả các hội thảo quốc tế, tài liệu giới thiệu của các đoàn quốc tế đến làm việc với trường, bộ phận quản lý khoa học, hợp tác quốc tế có giải pháp kiểm soát để không có trường hợp đáng tiếc xảy ra.
 
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về biển đảo được Đảng ủy ĐH Quốc gia TPHCM, Đảng ủy các trường, câu lạc bộ tuyên giáo, Đoàn trường... thực hiện định kỳ hàng năm. Việc kiểm soát giáo trình, tài liệu tham khảo “nhập khẩu” được các trường thực hiện rất kỹ lưỡng. Thư viện trường là đầu mối tổ chức thực hiện việc đặt, kiểm soát về nội dung trước khi đưa vào sử dụng. Các giáo trình được bộ môn chuyên môn kiểm soát kỹ. Các giảng viên cũng rất cân nhắc khi sử dụng các bài đọc thêm cho sinh viên để không để “lọt” thông tin, hình ảnh ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, văn hóa, thuần phong mỹ tục.
 
TS Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết, việc duyệt, sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo của trường hiện nay thực hiện theo quy định biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo theo quyết định số 2946 ngày 13-12-2016. Cụ thể, các khoa gửi danh mục đăng ký kèm thuyết minh biên soạn (do bộ môn đề xuất, đã được hội đồng khoa học khoa thông qua). Sau đó, hiệu trưởng chỉ đạo, tổ chức phê duyệt kế hoạch biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo.
 
Chủ biên và các thành viên tham gia biên soạn chịu trách nhiệm thực hiện việc biên soạn theo đúng thuyết minh đã được phê duyệt. Khoa chịu trách nhiệm đọc bản thảo để so sánh với đề cương chi tiết mà chủ biên đã gửi trước đó, xác nhận tính phù hợp và báo cáo hiệu trưởng và đề nghị thành lập hội đồng thẩm định. Hiệu trưởng ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định giáo trình, tài liệu tham khảo. Cuối cùng, sau khi khoa xem xét bản thảo sau chỉnh sửa và đề xuất với hiệu trưởng ra quyết định sử dụng, giáo trình, tài liệu tham khảo được làm thủ tục xuất bản, phát hành... “Đối với các tài liệu, giáo trình nước ngoài khi đưa vào giảng dạy cũng đều được thẩm định. Trường công khai danh mục tài liệu, giáo trình của tất cả chương trình đào tạo, đề cương chi tiết môn học theo quy định”, TS Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...