Du học bằng ngân sách: Phải sòng phẳng và công bằng

Thứ hai, 23 Tháng 12 2019 18:28 (GMT+7)
Hầu như các bộ ngành, địa phương và các trường đại học (ĐH) đều có đề án cử, tuyển người du học bằng ngân sách để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Điều đáng nói là không ít người được cử tuyển lúc đi thì cam kết chắc chắn nhưng rồi học xong lại tìm cách không quay về.
 
Cán bộ nghiên cứu Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) làm việc tại phòng thí nghiệm
Cán bộ nghiên cứu Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) làm việc tại phòng thí nghiệm
 
Tự ý phá vỡ hợp đồng
 
Theo đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi, những sinh viên tốt nghiệp ĐH hệ chính quy trong nước và ĐH nước ngoài xếp loại giỏi, xuất sắc tiếp tục đi học sau đại học sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí. Tổng kinh phí thực hiện đề án này là 150 tỷ đồng.
 
Sau khi xét chọn, tỉnh Quảng Ngãi có 3 công chức và 6 sinh viên được xét hồ sơ đi du học tại Anh, Australia và Philippines. Sau khi học xong đã có 5 trường hợp trở về địa phương làm việc như cam kết, một trường hợp có về làm vài tháng sau đó chuyển đi địa phương khác, còn 3 người không quay về. Những người không về và không làm việc ở địa phương đã bị Sở Nội vụ tỉnh này yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo, thậm chí phải đền lại tiền gấp đôi như trong cam kết. 
 
Trong giai đoạn 2007-2016, ĐH Đà Nẵng đã gửi đi nước ngoài học tập gần 600 cán bộ, giảng viên. Tuy nhiên, có vài chục cán bộ, giảng viên của các trường thành viên đã tự ý phá vỡ hợp đồng, không trở về nhận nhiệm vụ theo quy định.
 
Số giảng viên không trở về chủ yếu là đối tượng du học theo học bổng nước ngoài (gồm cả học bổng của các giáo sư), còn lại số ít là học viên của đề án 322 và 911.
 
Trong quá trình được cử đi học, học viên vẫn được hưởng 40% lương cùng các chế độ khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... do nhà trường chi trả. Còn học viên theo đề án 911 thì đều lấy các khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước đài thọ.
 
Việc các giảng viên đi học xong không trở về khiến ngân sách bị thiệt hàng tỷ đồng, nhà trường phải tìm kiếm, bổ sung nguồn cán bộ giảng dạy thay thế.
 
Năm 2016, chính quyền TP Đà Nẵng và nhiều cá nhân đã phân xử tại tòa về việc Đà Nẵng chi tiền ngân sách cho cán bộ đi học nước ngoài, nhưng nhiều học viên hoàn thành khóa học thì ở lại nước ngoài định cư hoặc tiếp tục học lên cao khiến Đà Nẵng phải phát đơn khởi kiện ra tòa. 
 
Du học bằng ngân sách: Phải sòng phẳng và công bằng ảnh 1
Cán bộ nghiên cứu đang làm việc tại phòng thí nghiệm 
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM
 
Trường ĐH Cần Thơ cũng khởi kiện một giảng viên ra TAND quận Ninh Kiều đòi bồi hoàn kinh phí đào tạo 600 triệu đồng. Vụ việc đã kéo dài nhiều năm qua nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Phía giảng viên cho rằng mình đi học theo học bổng của Chính phủ Nhật Bản nên toàn bộ chi phí do phía nước bạn cấp.
 
Vị giảng viên này chỉ nhận được 30% lương cơ bản trong suốt 3 năm đi học tiến sĩ nên không chấp nhận mức bồi hoàn kinh phí nói trên... Một số trường ĐH lớn tại TPHCM cũng thừa nhận có trường hợp giảng viên đi học rồi không quay về. 
 
Ai cũng bị thiệt
 
TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn Luật Hành chính - Khoa Luật Hành chính nhà nước (Trường ĐH Luật TPHCM), cho biết đối tượng được cử đi học nước ngoài thì phải theo cam kết từ lúc cử đi.
 
Công chức, viên chức đi theo chương trình, học bổng nào, ký cam kết như thế nào thì không chỉ tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 15/2012 của Bộ Nội vụ (hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức), mà còn theo các quy định cụ thể khác như thời gian quay về phục vụ, mức bồi thường khi phá vỡ cam kết... (trừ những trường hợp không phải bồi thường theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 15). 
 
“Mình phải tôn trọng chữ ký của mình đã ký vào cam kết khi được đi học. Không thể chấp nhận việc muốn đi học bằng tiền ngân sách mà không muốn phục vụ trở lại. Hãy sòng phẳng và đặt mình vào vị trí của bên còn lại mới thấu hiểu được lẽ phải và sự công bằng”, TS Thái Thị Tuyết Dung nói.
 
Còn TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết trường cũng cử nhiều cán bộ đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy cũng có một số cán bộ không quay về công tác tại trường mà định cư luôn ở nước ngoài, nhưng cũng có trường hợp luôn nghĩ về trường, tìm nhiều nguồn học bổng, tìm kiếm nhiều dự án tài trợ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường. 
 
Qua tìm hiểu, nhiều trường ĐH có giảng viên, cán bộ đi du học nhưng không về thường không muốn làm ầm ĩ mà cố thu xếp.  “Các phương án xử lý thường là kỷ luật vắng mặt, cho thôi việc và buộc bồi thường chi phí đào tạo, nhưng cũng khó vì họ đã ở nước ngoài. Trong khi đó, nhìn một cách thấu đáo, họ về mà thiếu “đất dụng võ” thì cũng thật uổng phí.
 
Thay vì lôi nhau ra tòa phân xử thì hai bên có thể thỏa thuận để những người ra đi cam kết tìm kiếm dự án, học bổng tài trợ trở lại cho nhà trường giúp phát triển công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường”, một chuyên gia giáo dục nhìn nhận.
 
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...