Đào tạo tích hợp đại học - thạc sĩ: Hướng đến “ra lò” những chuyên gia đầu ngành

Thứ hai, 30 Tháng 12 2019 11:03 (GMT+7)
Năm 2020, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM áp dụng tuyển sinh chương trình đào tạo tích hợp đại học - thạc sĩ. Trước đó, từ năm 2016, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được Bộ GD-ĐT thí điểm cho phép xét tuyển (không thi tuyển) đào tạo chương trình tích hợp ĐH - thạc sĩ.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên  (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm
Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm
 
Làm thạc sĩ khi đang học đại học
 
PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, tháng 10-2016, Bộ GD-ĐT cho trường thí điểm đổi mới tuyển sinh sau ĐH (trình độ thạc sĩ) giai đoạn 2016-2020. Năm 2017, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội triển khai chính thức áp dụng tuyển sinh chương trình đào tạo tích hợp ĐH - thạc sĩ cho đối tượng sinh viên năm 3, năm 4 có học lực khá giỏi.
 
Theo đó, mỗi học kỳ, người học đăng ký 12 tín chỉ của chương trình đào tạo thạc sĩ và như vậy, sau 3 học kỳ người học tích lũy được 36 tín chỉ của chương trình thạc sĩ (chiếm 60% số tín chỉ của chương trình đào tạo thạc sĩ). Thực tế, theo thống kê thì hiện nay số lượng học viên cao học chương trình đào tạo thạc sĩ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có đến 60% là học viên từ chương trình tích hợp  ĐH - thạc sĩ. Theo PGS-TS Trần Văn Tớp, với cách tuyển sinh này thì trường đã tìm được một nguồn tuyển chất lượng để đào tạo sau  ĐH theo hướng nghiên cứu. Họ chính là nguồn lực quan trọng để học tiếp lên tiến sĩ. 
 
Trước đó, từ năm 1999, chương trình đạo tạo kỹ sư chất lượng cao (chương trình PFIEV) cũng đã được triển khai tại 4 trường ĐH gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Bách khoa (ĐH Đà nẵng), ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), với sự cộng tác của 8 trường ĐH của Pháp. Sinh viên năm cuối có thể đăng ký học bổ sung một số môn học trong chương trình thạc sĩ để nhận thêm bằng thạc sĩ. 
 
Theo các chuyên gia giáo dục, chương trình đào tạo song bằng, đào tạo tích hợp rất phổ biến trên thế giới. Hoa Kỳ, Australia và các nước châu Âu đã triển khai chương trình liên thông, tích hợp trình độ ĐH lên thạc sĩ rộng rãi tại hầu hết các trường ĐH, tập trung chủ yếu ở các ngành khoa học máy tính, giáo dục, khoa học xã hội, kinh doanh...
 
Tại Hoa Kỳ, sinh viên có thể hoàn thành chương trình ĐH và thạc sĩ để nhận 2 bằng trong thời gian 5 năm như tại ĐH bang Florida, ĐH Kent State, ĐH Boston. Hay tại Hà Lan, ĐH Twente với chương trình 3+2 (liên kết với ĐH Khoa học Công nghệ Trung Quốc - USTC) đã giúp người học nhận bằng ĐH của USTC và bằng thạc sĩ của ĐH Twente trong thời gian 5 năm. Tại Australia, ĐH Sydney có chương trình đào tạo tích hợp cử nhân và thạc sĩ ngành Điều dưỡng trong thời gian 4 năm. 
 
Nâng cao chất lượng đào tạo  
 
Tại hội nghị thường niên vừa được tổ chức dịp cuối năm 2019, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, trong năm 2020 sẽ chính thức tuyển sinh chương trình tích hợp ĐH - thạc sĩ. Theo Ban Sau ĐH của ĐH Quốc gia TPHCM, chương trình cũng tương tự như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và có chung mục tiêu, đó là giúp người học khá, giỏi có khả năng tích lũy số tín chỉ của chương trình đào tạo thạc sĩ ngay trong thời gian học ĐH.
 
Theo PGS-TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM), người dự tuyển là sinh viên năm 3, 4 có điểm trung bình tích lũy đạt loại khá trở lên (7,0 theo thang điểm 10) và đang theo học ngành phù hợp với ngành đào tạo.
 
Trường được đào tạo chương trình này với điều kiện phải đạt được kiểm định quốc tế ở cấp chương trình hoặc cấp trường với ngành học được triển khai đào tạo. Các chương trình đào tạo được xem xét triển khai khi đã đạt được các chuẩn kiểm định đang còn thời hạn của AUN - QA (chuẩn kiểm định của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), ABET (Hội đồng kiểm định các ngành kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ), CTI (Ủy ban Văn bằng kỹ sư Pháp), FIBAA (Quỹ kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế - Thụy Sĩ), ACBSP (Hội đồng kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh - Hoa Kỳ)... 
 
Về phía sinh viên, theo PGS-TS Vũ Phan Tú, vẫn phải đảm bảo các điều kiện để được xét tốt nghiệp ĐH theo quy định hiện hành. Trong quá trình làm luận văn hay khóa luận tốt nghiệp  ĐH, sinh viên có thể phát triển lên thành luận văn thạc sĩ sau khi đã bảo vệ thành công tại hội đồng chấm luận văn, khóa luận tốt nghiệp ĐH. “Sau khi được công nhận là học viên cao học, người học hoàn thành số tín chỉ còn lại và bảo vệ luận văn thạc sĩ để được cấp bằng thạc sĩ”, PGS-TS Vũ Phan Tú cho biết.
 
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chương trình đào tạo tích hợp ĐH - thạc sĩ đã được chuẩn bị rất kỹ và hy vọng sẽ thu hút được người học khi triển khai. Đây là giải pháp thúc đẩy đào tạo sau ĐH nói chung và nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH của ĐH Quốc gia TPHCM nói riêng.
 
Theo PGS-TS Trần Văn Tớp, chương trình đào tạo tích hợp ĐH - thạc sĩ là phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Đây chính là tính ưu việt của đào tạo tín chỉ. Với cách tuyển sinh của chương trình, những người học là những người giỏi thật sự và cách học này sẽ giúp họ phát triển đam mê theo hướng nghiên cứu, trở thành những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...