Đảm bảo chương trình cho sinh viên năm cuối

Thứ ba, 31 Tháng 3 2020 11:09 (GMT+7)
Với thông điệp tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, toàn ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong thời gian qua đã nỗ lực để đảm bảo việc dạy và học.
Giảng viên giảng bài cho sinh viên học online tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Giảng viên giảng bài cho sinh viên học online tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
 
Dù rất khó khăn nhưng với sự hỗ trợ của các bộ ngành, doanh nghiệp, các trường đại học đã linh động tận dụng mọi điều kiện tốt nhất có thể để việc học của sinh viên không bị ảnh hưởng, đảm bảo cho sinh viên năm cuối tốt nghiệp đúng tiến độ, không phải chờ đến năm sau.
 
Tốn kém cũng phải làm
 
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TPHCM, cho biết, trường có khoảng 1.800 sinh viên năm cuối sẽ xét tốt nghiệp trong học kỳ này. Tuy nhiên, trong đó có khoảng vài trăm em phải thi TOEIC (chuẩn tiếng Anh đầu ra của trường), nếu không thi thì những em này sẽ phải chờ đến năm sau mới tốt nghiệp, rất thiệt thòi. “Để tổ chức thi, trường phải huy động rất nhiều cán bộ phục vụ, lực lượng công an canh gác, lực lượng y tế đo thân nhiệt từng em. Sau khi thi xong, khuyến cáo các em về nhà ngay. Trường rất cực, tốn kém nhưng vẫn phải làm vì quyền lợi của sinh viên”, PGS-TS Trần Hoàng Hải chia sẻ. 
 
Bên cạnh tổ chức thi ngoại ngữ, lên kế hoạch xét tốt nghiệp, Trường ĐH Luật TPHCM vẫn tổ chức dạy trực tuyến, và nếu sinh viên có ý thức tự học, chủ động tương tác với giảng viên cũng sẽ đạt hiệu quả tốt. “Để đầu tư cho việc dạy trực tuyến, giảng viên phải làm việc gấp đôi so với dạy truyền thống. Đó là chưa kể chi phí đầu tư, thiết kế bài giảng, hạ tầng kỹ thuật (đường truyền, phần mềm), tốn kém rất nhiều lần so với dạy truyền thống nhưng trường vẫn phải thắt lưng buộc bụng để làm nhằm đảm bảo việc học cho các em”, PGS-TS Trần Hoàng Hải cho biết. 
 
Trong khi đó, theo TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, hiện nay số lượng sinh viên năm cuối đã hoàn thành chương trình học tương đối nhiều. Các em chờ thi 2 môn là Tin học và Tiếng Anh để đủ điều kiện tốt nghiệp. Với môn Tin học, trường tổ chức 1 tháng/lần, còn Tiếng Anh 2 tháng/lần. “Hai môn này các em tự học là chính và đến hạn đăng ký thi. Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp nên trường luôn theo sát nhắc nhở các em. Nếu thuận lợi, trường sẽ linh động giải quyết cho các em thi ngay để đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Trường cũng xem xét linh động vận dụng quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT có thể kéo dài thời gian học của các em”, TS Trần Đình Lý nhấn mạnh. 
 
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, thời gian qua, để ứng phó với dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã chủ động có kế hoạch học tập vừa đảm bảo chương trình, chất lượng, vừa đảm bảo an toàn cho người học, cán bộ, giảng viên. Toàn hệ thống hiện có 84 cơ sở GDĐH đã và đang tổ chức học tập trung; 92 cơ sở dạy, học trực tuyến; các trường còn lại cũng tích cực chuẩn bị điều kiện để sớm triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến. 
 
Cũng theo TS Trần Đình Lý, trong tháng 4-2020, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có 900 sinh viên sẽ nhận bằng tốt nghiệp nhưng rất tiếc là trường không thể tổ chức lễ tốt nghiệp phát bằng cho các em. Nhà trường sẽ thông báo, nếu có nhu cầu, trường sẽ phát bằng cho từng em. Sau này, trường sẽ tổ chức một buổi phát bằng riêng. 
 
Quyền lợi sinh viên là trên hết
 
Th.S Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông - Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, cho biết, sinh viên khóa 2016-2020 có khoảng 900 em đã học xong chương trình và đi thực tập trong 12 tuần (từ ngày 5-3). Sau khi kết thúc thực tập, các em sẽ làm báo cáo chuyên đề để trường lấy kết quả xét tốt nghiệp. Những em nào chưa hoặc xin dừng việc thực tập, trường cũng sẽ kéo dài thời hạn cho các em. Riêng với những em học vượt tiến độ, đã đủ điều kiện xét tốt nghiệp, trường cũng sẽ giải quyết phát bằng tốt nghiệp cho các em. 
 
Còn TS Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, thông tin, hiện trường cũng có nhiều sinh viên đang đi thực tập tại các doanh nghiệp. Nếu những doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập còn hoạt động thì sinh viên vẫn thực tập theo đúng thời gian quy định. Nếu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, sinh viên được quyền nghỉ và thông báo với nhà trường để linh động sắp xếp kéo dài thời gian thực tập cho các em. Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác cũng linh động bố trí việc học online một số học phần, thậm chí hướng dẫn sinh viên làm đồ án, báo cáo chuyên đề trực tuyến để những sinh viên năm cuối hoàn thành và đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.  
 
Luật Sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật GDĐH (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019) cũng cho phép các cơ sở GDĐH có quyền quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo các trình độ, hình thức đào tạo; có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khóa học… Do đó, với quỹ thời gian cho phép (hàng năm có khoảng 2 - 3 tuần dự phòng/kỳ học tùy theo từng trường và có khoảng 5 - 6 tuần nghỉ hè), và với phương thức đào tạo theo tín chỉ, các cơ sở GDĐH hoàn toàn chủ động điều chỉnh kế hoạch phù hợp để bảo đảm chương trình đào tạo trong tháng 8-2020.
 
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...