Tuyển sinh đại học năm 2020: Nhiều điểm mới trong tuyển sinh ngành đặc thù

Thứ sáu, 17 Tháng 4 2020 10:38 (GMT+7)
Năm 2020, tuyển sinh đại học (ĐH) có nhiều điểm mới so với năm 2019. Điểm mới nhất là một số trường ĐH công lập tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả điểm học bạ 3 năm THPT.
Sinh viên Khoa Dược Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ học thực hành
Sinh viên Khoa Dược Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ học thực hành
 
Đặc biệt, những ngành đặc thù như khối ngành sức khỏe, sư phạm, nghệ thuật, công an và quân đội cũng có nhiều điểm mới trong cách xét tuyển để tuyển chọn những thí sinh phù hợp với phương thức đào tạo của từng trường. 

Xét tuyển ngành công an, quân đội có thêm quy định mới

Theo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, chỉ tiêu tuyển sinh và những điều cần biết về tuyển sinh hệ quân sự vào các trường trong quân đội năm 2020 có nhiều điểm mới. Cụ thể, Học viện Quân y có 2 điểm mới: Thực hiện một điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) chung giữa tổ hợp xét tuyển A00 và tổ hợp xét tuyển B00; sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh đã nộp hồ sơ sơ tuyển vào học viện được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (nguyện vọng 1) trong nhóm các trường gồm Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Khoa học quân sự, Học viện Phòng không - Không quân (hệ Kỹ sư hàng không) theo đúng vùng miền và đối tượng tuyển sinh. Những điểm khác còn lại tương tự kỳ tuyển sinh năm 2019. 

Đối với ngành công an, Cục Đào tạo (Bộ Công an) vừa hướng dẫn về công tác tuyển sinh năm 2020. Theo đó, với tuyển sinh hệ ĐH chính quy tuyển mới, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (để xét tuyển) là điểm tối thiểu từng môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 5 điểm trở lên (chưa nhân hệ số đối với thang điểm 10), trừ trường hợp có yêu cầu ngưỡng đảm bảo chất lượng cao hơn. Thực hiện tuyển sinh theo quy định tại Thông tư 15 (trừ tiêu chuẩn sức khỏe), trong đó cụ thể hóa, bổ sung một số điều kiện, tiêu chuẩn sau: Người dự tuyển chưa kết hôn, chưa có con đẻ (chỉ áp dụng với học sinh phổ thông, không áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, chiến sĩ nghĩa vụ xuất ngũ); tiêu chuẩn học lực (áp dụng với các thí sinh, trừ cán bộ công an trong biên chế) như các năm học THPT (lớp 10, 11, 12) đạt học lực trung bình trở lên, từng môn thuộc tổ hợp đăng ký dự thi vào trường công an đạt từ 7 điểm trở lên trong từng năm học cấp 3. Đối với thí sinh học THPT có môn Ngoại ngữ là ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, nếu có nguyện vọng dự tuyển thì được sử dụng điểm của môn đó để sơ tuyển (ví dụ, thí sinh học THPT có môn Ngoại ngữ là Tiếng Pháp đạt từ 7 điểm trở lên trong từng năm và 2 môn còn lại thuộc tổ hợp đủ điều kiện thì vẫn được dự tuyển)...
 
Về tiêu chuẩn sức khỏe, chỉ tuyển thí sinh đạt tiêu chuẩn sức khỏe loại 1, loại 2 và đáp ứng các chỉ số đặc biệt theo quy định tại Thông tư 45/2019 của Bộ Công an. Thí sinh cận thị được đăng ký dự tuyển vào các trường Công an nhân dân, phải cam kết và chữa trị đủ tiêu chuẩn thị lực khi nhập học. Ngoài sử dụng kết quả thi THPT quốc gia theo tổ hợp đăng ký của thí sinh, Bộ Công an lấy điểm trung bình cộng 3 năm học THPT là điểm thành phần để tổ chức xét tuyển. Chỉ tiêu xét tuyển được xác định theo từng trường, từng vùng, từng ngành, từng đối tượng (nam, nữ), từng tổ hợp môn.

Ngành sư phạm, ngành sức khỏe có điểm sàn riêng

Theo TS Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, năm 2020, Bộ GD-ĐT quyết định không tuyển sinh hệ trung cấp sư phạm. Điều này phù hợp với Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020), quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng (CĐ) sư phạm trở lên. Đối với hệ CĐ sư phạm, Bộ GD-ĐT chỉ còn cho tuyển sinh ngành sư phạm mầm non.
 
Kể từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp sẽ được nâng lên so với quy định trước đây. Cụ thể, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Đối với cơ sở đào tạo ngành sư phạm, các trường tự xác định chỉ tiêu sau đó báo cáo về Bộ GD-ĐT. Bộ sẽ căn cứ vào nhu cầu của từng địa phương, năng lực đào tạo của từng trường, rồi xác định chỉ tiêu theo từng ngành và từng trình độ cho các cơ sở đào tạo. Đối với hình thức vừa làm vừa học, các trường xác định chỉ tiêu không vượt quá 30% so với chỉ tiêu chính quy. Chỉ tiêu này nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. 

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT khẳng định, Quy chế tuyển sinh 2020 cũng quy định những nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...). Việc tự chủ tuyển sinh này phải phù hợp với luật định, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường. Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe (12 ngành) và có sự điều chỉnh trong xác định điểm sàn học bạ. Theo đó, điểm sàn học bạ năm 2019 đã được quy định rõ nhưng năm nay dự kiến bổ sung thêm điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT khá hoặc giỏi. Khi đó, nếu học sinh có lực học không giỏi nhưng đến khi thi có kết quả điểm thi giỏi thì vẫn có cơ hội xét vào các ngành này. 
 
Cũng theo quy định mới, việc xác định chỉ tiêu đối với giáo viên thỉnh giảng phải là chuyên gia có bằng thạc sĩ trở lên, hoặc tốt nghiệp ĐH cùng ngành và có 3 - 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo. Tổng số giáo viên thỉnh giảng tối đa bằng 40% tổng giáo viên cơ hữu (những năm trước, giáo viên thỉnh giảng không yêu cầu những điều kiện này). 
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...