Quang cảnh Hội nghị ngày 17-4
Ngày 17-4, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị đào tạo trực tuyến của giáo dục đại học (GDĐH) với hơn 300 điểm cầu gồm các trường ĐH-CĐ và doanh nghiệp viễn thông.
Hội nghị nhằm tạo ra diễn đàn kết nối hợp tác giữa các cơ sở GDĐH và các tập đoàn công nghệ để đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GDĐH, đặc biệt là trong đào tạo trực tuyến; hướng tới phát triển các hoạt động này không chỉ trong bối cảnh dịch Covid-19, mà cho tương lai xa hơn của GDĐH Việt Nam.
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay có 45% cơ sở GDĐH đã thực hiện đào tạo trực tuyến, trong đó có 63 trường đại học công lập và 42 trường dân lập; 42% cơ sở GDĐG chưa thực hiện đào tạo trực tuyến (gồm 82 trường, trong đó có 15 trường đại học ngoài công lập); khối An ninh Quốc phòng vẫn đào tạo tập trung là 13% (33 trường).
Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học hạn chế về hạ tầng công nghệ như chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến. Học liệu điện tử còn nghèo nàn, chưa được chuẩn hoá nên chưa kiểm soát chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, các ngành đào tạo thực hành, chuyên sâu đặc thù khó triển khai thực hiện. Giảng viên đại học vẫn còn hạn chế về kỹ năng xây dựng bài giảng, học liệu, kỹ năng tổ chức lớp học trực tuyến. Sinh viên thì hạn chế về trang thiết bị, hạ tầng mạng internet, đặc biệt là sinh viên vùng khó khăn. Bên cạnh đó, thiếu kỹ năng để học trực tuyến: kỹ năng về sử dụng công nghệ; kỹ năng về phương pháp. Đó là chưa kể đào tạo trực tuyến cũng đã nảy sinh một số nguy cơ, rủi ro trong quá trình học tập trực tuyến như mất an toàn, an ninh thông tin; nguy cơ tiềm ẩn từ Internet và mạng xã hội (game, quảng cáo link đến các trang web đen..)..
Từ thực tế đó, Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xây dựng các chính sách đồng bộ trong việc hỗ trợ các cơ sở đào tạo; đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ, xây dựng chiến lược, giải pháp khả thi. Có các mục tiêu, chỉ số phát triển cụ thể về chất lượng, số lượng hệ thống E-learning/tổng số cơ sở đào tạo...
Bộ GD-ĐT cũng sẽ sửa đổi quy chế đào tạo các trình độ của GDĐH đối với hình thức đào tạo chính quy, cho phép tỷ lệ % đào tạo trực tuyến; ban hành quy chế bảo đảm chất lượng các chương trình thực hiện theo hình thức đào tạo trực tuyến.
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cho rằng, đào tạo trực tuyến, E-learning là xu hướng tất yếu, không phải chỉ để giải quyết trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Nhưng nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường có nhiều sinh viên là dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện tham gia học tập trực tuyến.
Đại học Thái Nguyên cho biết, đầu năm 2020, nhà trường đã xây dựng trang website học trực tuyến để duy trì các môn học Ngoại ngữ và Tin học, các môn lý luận chính trị. Qua hơn 2 tháng triển khai đã có gần 79.000 lượt người truy cập vào trang web hỗ trợ tin học và ngoại ngữ, trung bình mỗi ngày 1.200 lượt truy cập và tham khảo học tập. Ngoài cổng thông tin đào tạo trực tuyến của Đại học Thái Nguyên, từng trường thành viên đều có phần mềm chuyên dụng; sử dụng phần mềm miễn phí và mất phí tổ chức dạy học online trên nền tảng của Google: zoom, Edemy, google meet, TranS, hoặc nhóm Zalo, Facebook..
Hiện trên 90% môn học của Đại học Thái Nguyên có các lớp học phần online. Tuy nhiên, do điều kiện sống và sinh hoạt của sinh viên Đại học Thái Nguyên có gần 70% là con em vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng khó khăn, nên việc trang bị công cụ học hạn chế.
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai và một số trường cho rằng, các môn học chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng zoom, các mạng xã hội facebook, zalo… để gửi tài liệu, giao và kiểm tra bài tập, do vậy tính chuyên nghiệp và bảo mật không cao. Rồi chi phí giảm từ học truyền thống sang hình thức E-learning của một số học phần không bù đắp được cho chi phí này…
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT cần xây dựng quy chế, quy chuẩn đào tạo trực tuyến dựa trên cơ sở đảm bảo chất lượng, đứng về phía người học, không nên đi quá sâu về kỹ thuật vì công nghệ thay đổi liên tục. Cũng theo ông Hoàng Minh Sơn, đây là cơ hội để các trường đại học có thể chia sẻ học liệu với nhau để phục vụ đào tạo một cách tốt nhất.
Các trường cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cũng cần có hệ thống các văn bản quản lý về đào tạo trực tuyến để giúp các trường thúc đẩy hình thức đào tạo này một cách đồng bộ, kể cả về khảo thí, tiến tới xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục đào tạo thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Hướng dẫn thống nhất cho các trường ban hành văn bản về đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống.
Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin Truyền thông nên có sản phẩm hỗ trợ các bài giảng trực tuyến E-Learning đơn giản nhất với các giải pháp, ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục; cung cấp miễn phí giải pháp nền tảng học và thi trực tuyến E-Learning; có thể miễn phí data 3G/4G cho sinh viên..
Bên cạnh đó, các trường cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT phát triển nguồn học liệu bài giảng đa phương tiện cho đào tạo trực tuyến. Bộ GD-ĐT cần có quy định về quy chuẩn cơ bản việc đào tạo theo hình E-learning là xu thế tất yếu của xã hội, quy định chuẩn tối thiểu về đào tạo E-learning như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, người dạy, người học, đề cương học phần; công nhận kết quả học online…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có các văn bản hướng dẫn các cơ sở GDĐH triển khai đào tạo trực tuyến và đánh giá, công nhận kết học tập của sinh viên. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang sửa đổi quy chế đào tạo chính quy, trong đó có đề cập phương thức đào tạo kết hợp giữa phương thức truyền thống và online. Đây là cơ sở để sau này các trường có thể triển khai chính thức, đồng thời, tạo điều kiện cho sinh viên, ngoài học trên lớp có thể học trực tuyến mọi lúc, mọi nơi và phát triển năng lực tự học cho các em.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chia sẻ học liệu, chia sẻ khóa học trực tuyến để cùng nhau hỗ trợ trong đào tạo; khuyến khích các trường cùng nhau xây dựng các khóa học mở trực tuyến, cùng với đó là xây dựng học liệu mở cho GDĐH. Hiện nay, Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết hợp tác với nhau để hỗ trợ đào tạo trực tuyến. Bộ GĐ-ĐT cũng đã ký kết với 4 doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam, các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ các cơ sở GDĐH trong mùa dịch, miễn giảm một số nội dung liên quan như đường truyền, máy chủ, hỗ trợ hệ thống LMS và cước Data…
“Nếu các cơ sở đại học tận dụng tốt cơ hội này, thì về lâu dài, đào tạo của nhà trường sẽ chất lượng hơn, phương thức đào tạo sẽ đa dạng hơn, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình học tập. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng GDĐH”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh. Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý để cho phép thực hiện đào tạo trực tuyến đối với đào tạo chính quy; ban hành quy chế kiểm định đào tạo trực tuyến.
PHAN THẢO - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)