Chuyển đổi số trong ngành giáo dục Mục tiêu, thách thức và cơ hội

Thứ ba, 28 Tháng 4 2020 08:04 (GMT+7)
Khi dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài, nhiều trường đại học tích cực đổi mới, đào tạo trực tuyến (ĐTTT), thích ứng với thời kỳ dịch bệnh, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế quá trình ĐTTT cũng đặt ra một số thách thức. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các trường đại học nhằm đưa ra các giải pháp thÁo gỡ, nâng cao chất lượng ĐTTT.
Mục tiêu, thách thức và cơ hội
Giảng viên Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng giảng dạy trực tuyến cho sinh viên trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19. Ảnh: THU DỊU
 
Bộ GD và ĐT cho biết đã có những chỉ đạo liên quan việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp theo phương thức truyền thống sang phương thức ĐTTT; đồng thời ban hành hướng dẫn tổ chức triển khai, xem xét, công nhận kết quả học tập cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, để hỗ trợ các cơ sở GDĐH về công nghệ và hạ tầng, Bộ GD và ĐT đã ký biên bản hợp tác trong phòng, chống dịch Covid-19 và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số với Bộ Thông tin và Truyền thông; ký cam kết với bốn doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin (CNTT).
 
Tính đến ngày 17-4, cả nước có 110 cơ sở GDĐH triển khai công tác ĐTTT, trong đó có 63 cơ sở công lập, 42 cơ sở ngoài công lập và năm cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Việc các trường tích cực ĐTTT đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao nhận thức của các trường về đào tạo trực tuyến; đa dạng hóa các dịch vụ GDĐH và đổi mới hoạt động dạy học. Đáng chú ý, quá trình thích ứng với thực tiễn, đẩy mạnh ĐTTT tạo cơ hội để cơ sở giáo dục hợp tác, phối hợp với tập đoàn, doanh nghiệp CNTT quốc gia, đa quốc gia; giúp xã hội tiếp cận nguồn học liệu mở, thúc đẩy học tập suốt đời. Các cơ sở GDĐH đều xác định đây là cơ hội thúc đẩy số hóa học liệu để tất cả giảng viên, sinh viên và cán bộ quản lý khai thác được các yếu tố tích cực trong việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập mọi lúc mọi nơi. Một số cơ sở GDĐH có được sự đồng thuận cao, triển khai ĐTTT hiệu quả như: Trường đại học Mở Hà Nội, Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường đại học Duy Tân, Trường đại học FPT, Trường đại học Sư phạm Hà Nội… PGS, TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh cho biết, trường có hình thức ĐTTT từ năm 2016, vì vậy khi xảy ra dịch Covid-19, việc mở rộng hình thức này có nhiều thuận lợi. Nhờ sự chuẩn bị và đầu tư về con người, cơ sở hạ tầng, công nghệ và phần nào trường có kinh nghiệm, cho nên có thể ĐTTT cho cả hệ chính quy và không chính quy.
 
Hiện nay, ĐTTT của các cơ sở GDĐH Việt Nam có thể chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các trường đã có kinh nghiệm triển khai đào tạo từ xa trực tuyến đã xây dựng và phát triển được hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS), có phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập một cách chính xác, khách quan bằng CNTT. Nhóm thứ hai các trường chưa có hệ thống LMS, nhưng bắt đầu triển khai sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy, học trực tuyến theo thời gian thực. Nhóm thứ ba là các trường chưa triển khai, chưa sẵn sàng cho việc tổ chức đào tạo từ xa trực tuyến đối với sinh viên chính quy, mới chỉ ở diện cung cấp tài liệu sinh viên tự học. Vì vậy, ĐTTT cũng bộc lộ khó khăn, thách thức khi cơ sở đào tạo hạn chế về hạ tầng công nghệ; chưa có quy trình và kinh nghiệm. Mặt khác, thực tế hiện nay học liệu điện tử còn nghèo nàn, chưa được chuẩn hóa. Một số giảng viên hạn chế về kỹ năng xây dựng bài giảng, tổ chức lớp học trực tuyến. Đáng chú ý, một số sinh viên còn khó khăn về trang thiết bị, hạ tầng mạng in-tơ-nét (nhất là sinh viên vùng khó khăn)... Trong khi đó, nguy cơ, rủi ro trong quá trình học tập trực tuyến như an toàn, an ninh thông tin có thể xảy ra mà sinh viên chưa được cảnh báo, kỹ năng cần thiết khi học tập trên môi trường mạng…
 
Tiến sĩ Dương Thăng Long, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội cho biết, để bảo đảm hiệu quả ĐTTT cần ba yếu tố là: Công nghệ, con người và hệ thống học liệu điện tử. Vì vậy, cần có kết nối và liên thông giữa các trường với nhau để chia sẻ về tài nguyên học tập. Mặt khác, cần có hành lang pháp lý về khảo thí, thi đánh giá qua hình thức trực tuyến… Đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD và ĐT), kiến nghị để ĐTTT hiệu quả, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng chính sách đồng bộ trong việc hỗ trợ các cơ sở đào tạo; đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ. Bộ GD và ĐT cần triển khai đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với GDĐH để đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ phù hợp. Mặt khác, cần sửa đổi quy chế đào tạo các trình độ của GDĐH; cho phép có tỷ lệ % ĐTTT đối với hệ chính quy. Đối với cơ sở đào tạo cần có chiến lược phát triển hệ thống LMS, LCMS, học liệu điện tử; nâng cao năng lực giảng viên, cán bộ quản lý, cán bộ hỗ trợ, sinh viên. Ngoài ra, cần chia sẻ công cụ phát triển học liệu điện tử và học liệu…
 
Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý để phục vụ ĐTTT; áp dụng ĐTTT cho cả hệ đào tạo chính quy. Mặt khác, Bộ GD và ĐT cũng khuyến khích các trường chia sẻ kinh nghiệm, nhất là chia sẻ nguồn học liệu trong ĐTTT. Do tình hình dịch Covid-19, nhiều trường đã chuyển sang ĐTTT. Vì vậy, các trường đại học cần nhân cơ hội này đẩy mạnh thực hiện mục tiêu về chuyển đổi số trong ngành giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội.
 
MẠNH XUÂN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...