Tuyển sinh đào tạo theo đặt hàng: Tránh lãng phí

Thứ hai, 18 Tháng 5 2020 07:32 (GMT+7)
Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2020 có nội dung rất mới, đó là quy định tuyển sinh theo đặt hàng (thực hiện Nghị định 32/2019 về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo).
Nội dung mới này cần phải đảm bảo song hành 2 yêu cầu: phát huy hiệu quả chủ trương của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực và tránh lãng phí nguồn ngân sách. 
 
Tuyển sinh theo hợp đồng 
 
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2020, Quy chế tuyển sinh ĐH đưa ra quy định về đào tạo theo đặt hàng của các địa phương. Các trường muốn thực hiện phải xây dựng và công bố trong đề án tuyển sinh. Điều 15 của Quy chế tuyển sinh quy định: Cơ sở pháp lý để các trường thực hiện tuyển sinh đào tạo do Nhà nước đặt hàng là Nghị định 32/2019 của Chính phủ.
 
Các chủ thể đặt hàng đào tạo và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thực hiện theo hợp đồng giữa các bên liên quan, không trái với quy định của pháp luật; có văn bản giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước hoặc thỏa thuận giữa các bên và thông tin liên quan phải được đưa vào thành phụ lục của đề án tuyển sinh. 
 
Mặt khác, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn, điểm đủ điều kiện để xét tuyển) phải thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH (Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn khối ngành sư phạm và khối ngành sức khỏe, những khối ngành khác do các trường tự xác định). Điểm trúng tuyển theo yêu cầu đặt hàng không thấp hơn điểm trúng tuyển của ngành đào tạo.
Tuyển sinh đào tạo theo đặt hàng: Tránh lãng phí ảnh 1
Đào tạo theo đặt hàng cần phải tính toán chính xác (Ảnh: Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM trong giờ học thực hành)
 
Trường hợp UBND cấp tỉnh đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và đối tượng thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại tỉnh, thì điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá một điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30. Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đặt hàng phải chịu trách nhiệm giải trình về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.  
 
Đối với việc tuyển sinh đặt hàng trình độ ĐH, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non (đào tạo chính quy và vừa làm vừa học), quy chế tuyển sinh yêu cầu phải có: văn bản giao nhiệm vụ, đặt hàng; chỉ tiêu đào tạo; ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
 
Phải phát huy tính hiệu quả 
 
Theo đánh giá của nhiều cơ sở đào tạo, chủ trương đặt hàng đào tạo là đúng và mang tính nhân văn, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cho các địa phương, nhất là những địa phương còn khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, khi thực hiện phải đặc biệt tránh việc lãng phí như chương trình cử tuyển trước đây (thực hiện Nghị định 134/2006).
 
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, khi thực hiện chế độ cử tuyển, nhiều tỉnh đã làm sai quy định. Đó là quy định ưu tiên xét cử tuyển đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao, nhưng một số tỉnh đã xét tuyển tỷ lệ học sinh người Kinh cao hơn quy định.
 
Thậm chí một số tỉnh khu vực Tây Nam bộ đã cử tuyển hoàn toàn học sinh người Kinh đi học, nhiều dân tộc thiểu số trong nhiều năm không có học sinh cử tuyển. Vì vậy đã từng xảy ra các hệ lụy, mà điển hình là vụ việc gian lận hồ sơ tại Trường ĐH Y Dược TPHCM (không phải do trường mà do các địa phương), khiến trong 2 năm 2016 và 2017, trường buộc thôi học 7 sinh viên thuộc diện cử tuyển của tỉnh Bình Phước.
 
Để hạn chế bất cập, lãng phí trong tuyển sinh đào tạo theo đặt hàng, Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng quy định “đối tượng thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại tỉnh” để được xét tuyển đào tạo còn nhiều điểm phải làm rõ hơn. Ví dụ, rất nhiều học sinh có hộ khẩu ở các địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ nhưng lại học THPT tại TPHCM.
 
“Nếu không quy định chặt thì sẽ tái diễn cảnh “đặt hàng” sai đối tượng, chính sách thực thi không hiệu quả”, Th.S Hứa Minh Tuấn băn khoăn.
 
Mặt khác, về vấn đề sử dụng và cam kết bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, nhiều trường cho rằng đây là việc các địa phương phải cam kết: điều kiện ràng buộc ra sao, ra trường phải về làm việc ở địa phương bao lâu, nếu vi phạm sẽ bồi thường ra sao.
 
“Phải lấy bài học từ việc thực hiện theo diện cử tuyển đã diễn ra, đó là sinh viên tốt nghiệp về địa phương không bố trí việc làm, thậm chí ngay cả sinh viên sư phạm tỉnh cử đi học về cũng… thất nghiệp. Ngoài ra, các địa phương, bộ ngành cần xác định và tính toán, dự báo nguồn nhân lực đủ dài để khi cử người đi học cho hợp lý, tránh tình trạng thừa nhưng vẫn thiếu. Ngoài ra, những ngành nghề đòi hỏi người học phải có trình độ cao như kinh tế, y dược, sư phạm, phải tránh tình trạng trước đây hệ cử tuyển ở ngành y tế chiếm đến 26%, kinh tế 16,8%, sư phạm 23%”, một chuyên gia giáo dục kiến nghị.
 
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...