Chạy đua xét tuyển đại học bằng học bạ

Thứ tư, 20 Tháng 5 2020 10:33 (GMT+7)
Sau hội nghị công tác tuyển sinh trực tuyến toàn quốc do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì và Bộ GD-ĐT công bố Quy chế tuyển sinh đại học 2020, các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã điều chỉnh đề án tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh mới trong năm 2020.
Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm năm 2020
Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm năm 2020
 
Theo đó, rất nhiều trường ĐH công lập trước đây chưa từng xét tuyển bằng điểm học bạ THPT đã bổ sung thêm phương án xét tuyển này với chỉ tiêu khá cao. 
 
Đại học lớn cũng xét học bạ
 
Th.S Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết, năm 2020 lần đầu tiên trường áp dụng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Theo kế hoạch, trường tuyển 8.900 chỉ tiêu, trong đó xét tuyển bằng điểm học bạ THPT với điểm trung bình 3 môn là 19,5 điểm trở lên cho tất cả các ngành đào tạo (trừ các ngành đào tạo giáo viên) với 40% chỉ tiêu.
 
Tương tự, trong 5 phương thức xét tuyển, Trường ĐH Kinh tế TPHCM dành 20%-30% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu năm 2020 của trường là 5.800) xét tuyển quá trình học tập qua học bạ; 20% xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức; 20%-30% xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Còn tại Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, tuyển 4.500 chỉ tiêu, trong đó phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT tối đa lên đến 60% tổng chỉ tiêu cho tất cả các ngành đào tạo (điều kiện được đăng ký xét tuyển là học sinh tốt nghiệp THPT, có tổng điểm trung bình các môn học trong tổ hợp xét tuyển của 5 học kỳ THPT lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18,0 điểm trở lên).
 
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, trong năm 2020, trường tuyển 3.680 chỉ tiêu và có 4 phương thức tuyển sinh như năm 2019. Tuy nhiên, thay đổi lớn chính là cơ cấu chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển. Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn với tối đa 40% tổng chỉ tiêu (những năm trước chỉ 15%-20% chỉ tiêu) với điều kiện là thí sinh phải tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình cả năm của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên. 
 
Quan trọng là chất lượng đào tạo 
 
Lý giải về việc trường bổ sung phương án xét tuyển bằng học bạ THPT, Th.S Nguyễn Minh Trí cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức thi riêng rất khó để các trường có đủ nhân lực và điều kiện thực hiện. Hơn nữa, nếu trường nào cũng tổ chức thi riêng thì phiền hà cho thí sinh.
 
“Trường xét tuyển học bạ nhưng điều kiện đặt ra là thí sinh phải tốt nghiệp THPT và có điểm học bạ 3 môn trong tổ hợp tuyển của 3 năm lớp 10, 11 và lớp 12 phải đạt 19,5 điểm. Đây mới chỉ là điểm sàn để xét tuyển, còn điểm trúng tuyển sẽ xác định theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Do đó, điểm đầu vào chỉ là một phần, còn chất lượng đào tạo đại học là cả một quá trình. Nếu trong quá trình học, em nào không theo nổi thì sẽ bị loại ngay”, Th.S Nguyễn Minh Trí nhìn nhận.
 
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, khẳng định hiện nay hầu hết các trường đều sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển. Nếu cho rằng sử dụng điểm học bạ năm lớp 12 không chính xác thì dùng kết quả học của cả 3 năm cấp 3. Điều quan trọng là hiện nay Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh kiểm định chất lượng và công bố cho xã hội biết, nên chất lượng đào tạo mới là vấn đề sống còn của các trường đại học.
 
Do đó, chất lượng không hoàn toàn nằm ở đầu vào mà nằm ở quá trình đào tạo và tinh thần học tập của sinh viên. PGS-TS Đỗ Văn Xê cho rằng, kiến thức học ở THPT chỉ là nền tảng để giúp các em có đủ năng lực theo học các môn của chương trình đại học. Từ năm 2015 đến nay, nhiều trường sử dụng kết quả điểm học bạ để xét tuyển ĐH, ban đầu rất ít nhưng hiện nay phần lớn nhà trường sử dụng phương thức này. Điều này cũng cho thấy, cả quá trình học THPT của thí sinh cũng đáng để tin cậy cho các trường ĐH sử dụng để tuyển chọn người học.
 
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, kết quả học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất “long lanh” nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Do đó, những trường đại học dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển bằng học bạ phải rất chú ý.
 
Cùng với đó, dù được tự chủ xét tuyển nhưng các trường phải xem xét kỹ để đưa ra tổ hợp xét tuyển phù hợp, không thể đưa ra những tổ hợp lạ gây xôn xao cho xã hội rồi rút lại. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, chất lượng đào tạo nhân lực có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước, không chỉ ở khâu đầu vào (tuyển sinh) mà các trường đại học cần nâng cao chất lượng đào tạo, tư vấn và cung cấp nguồn nhân lực. Do đó, ngay trong mùa tuyển sinh này, các trường ĐH tăng cường dự báo ngành nghề để học sinh nắm rõ.
 
Về quy định các đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh 2020: có 7 đối tượng ưu tiên (chia làm 2 nhóm) và 3 khu vực ưu tiên. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi (không nhân hệ số).
 
- Về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển: Quy chế tuyển sinh có điểm mới là trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng (ngoài quy định tại khoản 2, 3 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh năm 2020) đối với học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: 3 năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
 
- Các trường được quyền sử dụng kết quả điểm thi THPT quốc gia các năm 2018, 2019 để xét tuyển nhưng phải công bố rõ ràng trong đề án tuyển sinh.
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...