“Đầu tàu” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ hai, 25 Tháng 5 2020 07:19 (GMT+7)
Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành trung tâm vùng ĐBSCL và cả nước trong nhiều lĩnh vực. Để thành phố phát triển, nguồn nhân lực trình độ cao là một trong những yếu tố tiên quyết, góp phần phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. 15 năm nỗ lực đầu tư nguồn lực, hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo, TP Cần Thơ từng bước trở thành “đầu tàu” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.
 
►Thành tựu 15 năm
 
Từ lúc chỉ có 2 Trường Đại học (ĐH) là Cần Thơ và Y Dược Cần Thơ làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực 15 năm trước, đến nay thành phố Cần Thơ đã có 5 trường ĐH công lập và ngoài công lập: ĐH Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Tây Đô và Nam Cần Thơ. Tính năm học 2019-2020, cả 5 trường có hơn 3.890 cán bộ, viên chức, với quy mô đào tạo trên 75.400 sinh viên. Đó là chưa kể 2 cơ sở ĐH đang đóng trên địa bàn là Phân hiệu của Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH FPT thuộc Tập đoàn FPT; cùng với 7 trường cao đẳng, 1 phân hiệu của trường cao đẳng. Thời gian qua, các trường đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, cử nhân… phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển TP Cần Thơ và ĐBSCL.
 
Các chuyên gia giáo dục đánh giá mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH tại Cần Thơ hiện nay phát triển mạnh so với 15 năm trước. Đó là kết quả tất yếu của quá trình đầu tư lâu dài từ trung ương và địa phương, cũng như chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục ĐH. Minh chứng là sự ra đời của Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ vào tháng 1-2013, cũng là trường ĐH công lập duy nhất trực thuộc UBND TP Cần Thơ. Để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động, thành phố đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị thực hành cho trường (cơ sở 1, đường Nguyễn Văn Cừ); quy hoạch diện tích trên 17ha ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy làm cơ sở 2. Sau hơn 7 năm thành lập, quy mô đào tạo của trường đạt gần 4.000 sinh viên; cung cấp cho thành phố và ĐBSCL gần 1.000 kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật công nghệ. Nhà giáo Ưu tú - PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm 2020, trường tiếp tục thực hiện 4 khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo; trong đó tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
 
Mạng lưới trường cao đẳng (CĐ) như Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ; CĐ Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ… được thành phố đầu tư hàng chục tỉ đồng để mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thực hành, thực tập. Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn cho biết: “15 năm thực hiện Nghị quyết 45, thành phố đã tạo hành lang pháp lý, đầu tư nhà xưởng mới, bổ sung trang thiết bị thực hành hiện đại. Nhiều giáo viên được học tập bồi dưỡng nước ngoài để nâng cao tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng, đào tạo công nhân lành nghề cho thành phố và ĐBSCL”. Tính riêng đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, trường đào tạo 15 nghề trung cấp và CĐ (trong đó có 8 nghề trọng điểm). Qua đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề, hằng năm quy mô đào tạo của trường tăng lên khoảng 22%.
 
Theo Ban Giám hiệu Trường ĐH Cần Thơ, thực hiện Nghị quyết 45, Trường ĐH Cần Thơ đã phát triển mạnh mẽ về quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa dạng hình thức và chất lượng đào tạo. Riêng TP Cần Thơ, trường ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, như Đề án Cần Thơ 150 (thuộc chương trình Mekong 1000), đến nay có 121 ứng viên đi đào tạo ở nước ngoài. Khi trở về địa phương, các cán bộ đã phát huy hiệu quả năng lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
 
►Vươn đến chuẩn đào tạo quốc tế
 
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã tạo lực đẩy góp phần thay đổi diện mạo giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ, phát triển mạnh về số lượng cơ sở đào tạo ĐH và CĐ, lẫn chất lượng đào tạo tiệm cận chuẩn quốc tế. Trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ và Trường Đại học FPT - Phân hiệu Cần Thơ hồi tháng 8-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mỗi trường có chiến lược phát triển khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu chung trở thành trường mạnh trong đào tạo, sinh viên ra trường đáp ứng được thị trường lao động trong và ngoài nước. Riêng với Trường ĐH Cần Thơ phải phấn đấu nằm trong xếp hạng hàng đầu châu Á và đứng trong tốp 1.000 trường đại học thế giới vào năm 2025. Trước mắt, trường làm đầu mối thường niên tổ chức các diễn đàn giáo dục đại học ĐBSCL và mở rộng. Diễn đàn này mỗi năm có một chủ đề phát triển giáo dục đại học, tư cách một đại học quốc gia, đại học khu vực và tiến tới là đại học đẳng cấp quốc tế. Hiện tại, Ban Giám hiệu Trường ĐH Cần Thơ đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu trước năm 2030, sẽ là một trong 20 trường ĐH hàng đầu của Đông Nam Á.
 
Tương tự, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cũng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đầu tư nguồn lực, phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy vừa hồng, vừa chuyên. Hiện trường có trên 95% giảng viên có trình độ sau ĐH, trong đó trên 20% giảng viên có trình độ Tiến sĩ. Đây là điều kiện để trường chọn một số ngành đào tạo nhằm kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường có uy tín cả nước và khu vực về khối ngành kỹ thuật - công nghệ.  
 
Với Trường CĐ Nghề Cần Thơ, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu trở thành trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, kỳ vọng: Bên cạnh những nghề trọng điểm, trường liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo uy tín của Úc, Vương quốc Anh, Đức, Hàn Quốc... để sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngoài nước. Những sinh viên học tập, làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo sức lan tỏa trong toàn trường. Nguồn nhân lực này còn chuyển giao kiến thức của các trường tiên tiến để phục vụ phát triển thành phố.
 
15 năm thực hiện Nghị quyết 45, TP Cần Thơ đã làm thay đổi mạnh mẽ giáo dục - đào tạo cả về số lượng cơ sở lẫn chất lượng đào tạo trình độ cao. Với quyết tâm, cùng sự nỗ lực của các trường, TP Cần Thơ từng bước khẳng định là trung tâm của vùng về giáo dục và đào tạo. 
 
 Bài, ảnh: Ng.Ngân - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...