Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2020 của Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.
Mùa tuyển sinh nào cũng vậy, khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào đại học, cao đẳng, không ít học sinh, phụ huynh đắn đo và cân nhắc chọn ngành, trường sao cho phù hợp. Đơn cử như trong chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT “Kết nối chuyên gia hướng nghiệp đến từng học sinh TP Cần Thơ” do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Tâm lý và Hướng nghiệp 4.0 JobWay tổ chức livestream trung tuần tháng 5, tài khoản Hào Tây (Trần Nhựt Hào, học sinh lớp 12, Trường THPT Thới Lai) quan tâm về ngành Ngôn ngữ học và thắc mắc trong thời gian tới cơ hội việc làm của ngành này liệu có tăng, bởi hiện nay rất thấp. Tài khoản Khương Phan (học sinh Trường THPT Lưu Hữu Phước) hỏi về cơ hội việc làm của ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học…
Bên cạnh, cũng có nhiều học sinh, phụ huynh đã sớm định hướng với mục tiêu rõ ràng. Nguyễn Văn Hồ, học sinh Trường THPT Hà Huy Giáp, cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THPT, em chọn ngành Quản lý xây dựng vì vừa phù hợp năng lực, ra trường dễ xin việc làm”. Hồ có anh tốt nghiệp đại học ngành Kỹ sư xây dựng, có việc làm với thu nhập ổn định, là lý do Hồ chọn học ngành này. Tương tự, bà Nguyễn Thị Ái Nhân, ở quận Ninh Kiều, nói: “Tôi có 3 người con. Hai con trai lớn đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đi làm. Con gái út đang học lớp 12, tôi dự định cho cháu học nghề sau tốt nghiệp THPT vì phù hợp năng lực của cháu”.
Việc chọn trường, chọn ngành mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay càng được quan tâm vì có nhiều thay đổi do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Các trường hiện đã bắt đầu nhận hồ sơ ĐKXT bằng học bạ của thí sinh. Theo nhận định của cán bộ quản lý các trường, qua những buổi tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, phần lớn học sinh quan tâm chọn trường gần nhà, học phí phù hợp; nhất là ngành, nghề dễ xin việc làm sau tốt nghiệp. Nhiều thí sinh cũng quan tâm những ngành học mới, đáp ứng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết: Việt Nam hiện nay đã hội nhập sâu rộng với thế giới trong nhiều lĩnh vực và cơ hội việc làm không chỉ đóng khung ở một thành phố hay trong nước. Trong thời đại 4.0, dự báo nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật - khoa học sáng tạo - tự động hóa (trong đó công nghệ thông tin vẫn là ngành chủ lực) phát triển mạnh; kế đó nhóm ngành cơ khí, nhất là cơ khí robot…
TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học, 7 trường cao đẳng, chưa kể phân hiệu của một số trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn; với tổng chỉ tiêu tuyển hàng chục ngàn sinh viên cho nhiều ngành nghề, đa dạng lĩnh vực. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020, các trường đã linh động điều chỉnh với nhiều phương án tuyển sinh; mở nhiều ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu người học. Đơn cử như Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trong 16 ngành kỹ thuật công nghệ có 4 ngành mới là Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật công nghệ năng lượng. Trong đó có 3 ngành lần đầu tiên được mở ở vùng ĐBSCL (Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật công nghệ năng lượng). Trường Đại học Cần Thơ năm nay lần đầu tiên áp dụng thêm phương thức xét tuyển sử dụng điểm học bạ THPT trong 5 học kỳ; tổ hợp 3 môn dùng để xét tuyển không thay đổi so với trước...
Theo lãnh đạo các trường, việc điều chỉnh phương án tuyển sinh đã tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy vậy, những thay đổi của tuyển sinh năm nay cũng đòi hỏi thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin từ các phương tiện truyền thông, trên website của các trường đại học, cao đẳng để lựa chọn phù hợp, khả năng trúng tuyển cao. PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết, khi dự tuyển vào trường, mỗi thí sinh có quyền ĐKXT bằng nhiều phương thức khác nhau nếu đúng đối tượng và đáp ứng điều kiện đăng ký của mỗi phương thức. Trường hợp đăng ký nhiều phương thức cùng trường hoặc khác trường (trong đó có phương thức 2), khi trúng tuyển và xác nhận nhập học trước khi phương thức 2 công bố kết quả, thí sinh không được xét tuyển theo phương thức 2 nữa. Ngược lại, nếu không trúng tuyển hoặc chưa xác nhận nhập học thì vẫn được xét tuyển ở phương thức 2. Nếu một phương thức có nhiều đợt xét tuyển thì điểm trúng tuyển của đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển trước.
Chọn trường, ngành vừa sức, phù hợp năng lực luôn là lời khuyên chung dành cho thí sinh. Về việc chọn ngành nghề xã hội đang cần, theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, đối với các khối giáo dục nghề nghiệp, các ngành Quản trị mạng máy tính, Thiết kế trang web đang là xu thế, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh, có những ngành nghề tạo cơ hội việc làm cao: Công nghệ may, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh… PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền cho rằng, thông qua các kênh thông tin, thí sinh biết ngành nghề mà xã hội có nhu cầu; thế nhưng thí sinh nên cân nhắc chọn ngành mà bản thân có khả năng học tốt và yêu thích. Bậc đại học không chỉ trang bị cho người học kiến thức chuyên môn, mà còn cả kỹ năng, tư duy. Khi ra trường, sinh viên vẫn có thể đủ năng lực làm việc, đáp ứng tốt ngành đã học, kể cả ngành gần; và nếu giỏi trong lĩnh vực đã học, cơ hội việc làm vẫn cao.
Bài, ảnh: B.KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)