Bỏ thi sẽ thiếu công bằng
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ đã tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia có kinh nghiệm trong tổ chức các kỳ thi và bộ đề xuất với Chính phủ phương án khả thi nhất. Cụ thể, với các địa phương không thuộc diện cách ly xã hội và chủ tịch UBND tỉnh, TP cam kết bảo đảm điều kiện an toàn về chống dịch bệnh thì sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch vào ngày 9 và 10-8. Với những địa phương thuộc diện cách ly xã hội, có các trường hợp F1, F2 thì sẽ tổ chức thi sau; bộ chỉ đạo các trường ĐH, CĐ có phương án xét tuyển phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho học sinh (HS).
Bộ GD-ĐT đã làm việc với Ban Chỉ đạo thi quốc gia và Ban Chỉ đạo thi các địa phương để rà soát lại lần cuối, trong đó xem xét kỹ lưỡng đến bối cảnh dịch bệnh. Phần lớn các địa phương đều báo cáo đã chuẩn bị xong, quyết tâm tổ chức kỳ thi. Theo khảo sát của bộ, phần lớn HS đều bày tỏ nguyện vọng thi đúng thời điểm vì đã chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi, trừ trường hợp bất khả kháng do dịch thì mới thi sau. Ngoài ra, nếu không tổ chức đúng kế hoạch thì ảnh hưởng lớn đến việc xét tuyển CĐ, ĐH của các trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 3-8, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, đề xuất của Bộ GD-ĐT là tối ưu. Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi vì đằng nào tỉ lệ tốt nghiệp cũng gần 100%. Tuy nhiên, việc tổ chức thi ở đây không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn xét vào ĐH. "Tâm lý giáo viên là thương HS nên cho điểm không đúng năng lực, cốt sao có bảng điểm đẹp, học bạ đẹp để vào ĐH. Đó là chưa nói đến tiêu cực trong thi cử, chấm điểm, đánh giá ở bậc phổ thông chưa thực chất. Nếu bỏ thi, các trường ĐH xét tuyển bằng học bạ sẽ tạo sự mất công bằng lớn trong xã hội. Những người không đủ năng lực vào học ĐH, sau này nếu yếu quá không theo nổi bị cho nghỉ thì khổ thân" - ông Vinh phân tích.
TS Hoàng Ngọc Vinh nói thêm trong trường hợp bất khả kháng, đến ngày thi đợt 2 nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp thì phải chấp nhận xét tốt nghiệp cho HS ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Các em học sinh lớp 12A5 THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) thể hiện quyết tâm thi tốt trong buổi học cuối cùng Ảnh: TẤN THẠNH
Điều chỉnh xét tuyển để tránh thiệt thòi cho thí sinh
GS-TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (TP Hà Nội), có chung quan điểm tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT là hợp lý, bảo đảm quyền lợi của thí sinh trong xét tuyển ĐH. Bà Hoa cho rằng dù thi làm 2 đợt nhưng việc tuyển sinh ĐH dự báo cũng không gặp khó khăn nhiều. Việc lùi lại một thời gian có thể chấp nhận được khi các trường ĐH, CĐ điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, đào tạo.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nên tùy tình huống để có cách xử lý. Đối với thí sinh không thi đợt 1 nhưng trong điều kiện có thể triển khai thi sớm được thì có thể sẽ tham gia xét tuyển chung. Trường hợp dịch bệnh chưa kiểm soát được khiến chưa xác định được ngày thi cụ thể thì lúc đó thí sinh có thể được miễn thi. Thí sinh không thi tốt nghiệp THPT thì không tham gia xét tuyển theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi nhưng vẫn có thể tham gia xét tuyển học bạ.
Theo ông Huỳnh Thanh Hùng, năm 2020, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cũng như nhiều trường ĐH khác có nhiều phương thức xét tuyển như xét học bạ, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực… Mỗi phương thức có tỉ lệ xét tuyển nhất định nên HS trong diện không thi tốt nghiệp THPT cũng bớt thiệt thòi.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết khi có kết quả thi đợt 1, trường bắt đầu xét tuyển nhưng sẽ dành chỗ cho thí sinh phải thi đợt 2 nếu các em đăng ký vào trường. Với các em phải thi đợt 2, các em không có điều kiện tốt như thí sinh khu vực không có nguy cơ dịch, tâm lý khi đi thi cũng không tốt nên sẽ tác động đến kết quả thi. Vì vậy, trường sẽ có chính sách ưu tiên về điểm số cho các em, tất nhiên là sẽ không chênh lệch nhiều so với thí sinh khu vực khác.
Trong khi đó, PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), cho biết phải có thông tin từ Bộ GD-ĐT xem có bao nhiêu % thí sinh không thi đợt 1 và số lượng đăng ký nguyện vọng vào trường. Hiện nay, trường dành 50% chỉ tiêu cho HS của TP HCM, 50% còn lại cho HS có hộ khẩu ngoài TP HCM. Tùy tỉ lệ thí sinh đăng ký vào trường ít hay nhiều, trường sẽ để dành chỉ tiêu phù hợp để các em không thiệt thòi cũng như tránh chênh lệch điểm chuẩn với thí sinh khác. Trong trường hợp diễn biến dịch bệnh khiến các em không thể thi đợt 2 thì không thể xét vào trường vì đề án tuyển sinh của trường không xét học bạ.
Nhiều trường ĐH khác cũng cho biết sẽ chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT khi xét tuyển ĐH để tránh thiệt thòi cho các em không thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Tuy nhiên, trong trường hợp đợt 2 không thể tổ chức vì lý do dịch bệnh mà trường lại không xét học bạ thì không thể điều chỉnh phương thức xét tuyển vì như thế rất phức tạp mà thời gian không còn.
Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT quyết việc tổ chức thi
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 3-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ việc thi tốt nghiệp THPT là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Do đó, yêu cầu Bộ GD-ĐT phải thực hiện đúng Luật Giáo dục. Thủ tướng cũng nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định và giao cho chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm tổ chức, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về nội dung.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và các bộ liên quan bảo đảm an toàn sức khỏe cho HS, phụ huynh và giáo viên. Đối với thời gian thi và các vấn đề có liên quan khác, Thủ tướng yêu cầu phải có phương án cụ thể, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch ở từng địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân yên tâm về việc tổ chức chu đáo, khoa học, không để xảy ra sơ suất.
Cán bộ đi thanh - kiểm tra lo lây nhiễm
Những ngày qua, các trường ĐH khẩn trương tổ chức tập huấn giảng viên, cán bộ làm công tác thanh - kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương. ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), cho biết trường được giao cử 130 cán bộ giảng viên tham gia thanh - kiểm tra tại TP HCM.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có 85 cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ thanh - kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Đắk Lắk. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết công tác tập huấn chuyên môn đã xong nhưng lãnh đạo nhà trường và những người tham gia không tránh khỏi lo lắng vì đi vào vùng dịch. Ông Dũng cho biết những cán bộ, giảng viên được cử đi đã thực hiện tiêm chủng để ngừa bệnh bạch hầu còn để phòng Covid-19 thì cố gắng giữ khoảng cách, đeo khẩu trang...
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết trường có 25 cán bộ, giảng viên có nhiệm vụ đi thanh - kiểm tra công tác thi tại tỉnh Đắk Nông. Theo ông Lý, về chuyên môn, nghiệp vụ thanh - kiểm tra không có gì phải lo nhưng lực lượng được cử đi có phần lo lắng vì dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm.
H.Lân
YẾN ANH - HUY LÂN - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)