Từng bước đưa ĐHQG TPHCM trở thành một trong 2 ĐH đầu tàu của cả nước trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030 đứng vào nhóm 100 các ĐH hàng đầu châu Á, khẳng định vị thế giáo dục ĐH Việt Nam trên trường quốc tế.
Triển khai mô hình giáo dục 4.0
Theo đại diện Ban Giám đốc ĐHQG TPHCM, bám sát những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ V, ĐHQG TPHCM đã đi đầu trong hệ thống giáo dục ĐH với 3 nhiệm vụ trọng tâm: đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Trong lĩnh vực đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐHQG TPHCM có những bước tiên phong khi nhiều đổi mới mang đột phá theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, công tác xếp hạng ĐH và đảm bảo chất lượng đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò nòng cốt của ĐHQG TPHCM đối với hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ ĐHQG TPHCM đã kết nạp được 664 đảng viên mới. Phân tích số lượng kết nạp đảng toàn nhiệm kỳ, có 203 cán bộ viên chức, 96 giảng viên và 365 sinh viên. Trong số này có 143 đảng viên kết nạp có trình độ sau ĐH (45 tiến sĩ và 98 thạc sĩ). Số lượng đảng viên nữ được kết nạp là 315 đồng chí (chiếm 25,20% tổng số kết nạp của nhiệm kỳ).
|
Trước tiên, ĐHQG TPHCM đã triển khai thành công đề án CDIO và giai đoạn 1 đề án giáo dục 4.0. Việc cải tiến chương trình đào tạo được thực hiện chủ yếu thông qua việc triển khai đề án CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate) từ 2010-2017. Từ thành công của đề án CDIO, ĐHQG TPHCM triển khai Đề án “Mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại tại ĐHQG TPHCM, giai đoạn 2018-2022”. Hiện ĐHQG TPHCM có 5 trường thành viên, 29 khoa, 62 ngành đào tạo trình độ ĐH triển khai CDIO, trong đó có 30 ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật và 32 ngành đào tạo phi kỹ thuật. Trên 3.700 lượt cán bộ, giảng viên của ĐHQG TPHCM đã được bồi dưỡng về kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng thiết kế và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra thông qua trên 60 khóa tập huấn; trên 30.000 sinh viên (chiếm 60% quy mô sinh viên ĐHQG TPHCM) được thụ hưởng…
ĐHQG TPHCM cũng đã tham gia và là thành viên chính thức của tổ chức AUN-ACTS thực hiện việc công nhận, chuyển đổi tín chỉ giữa các trường ĐH trong hiệp hội, các trường ĐH trong khối ASEAN (AUN) và đã có công văn hướng dẫn công nhận điểm, tín chỉ trình độ ĐH thông qua hệ thống trao đổi tín chỉ ACTS tại ĐHQG TPHCM. Tính đến thời điểm hiện nay, ĐHQG TPHCM có tổng số 436 môn học đăng ký tham gia ACTS.
ĐHQG TPHCM có 66 chương trình, trong đó có 4 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, 53 chương trình đạt chuẩn AUN-QA và 9 chương trình đạt chuẩn quốc tế khác. Một trong những thành quả đáng ghi nhận nhất là ĐHQG TPHCM đã vươn từ tốp 39,6% lên tốp 25,7% của các ĐH xuất sắc nhất châu Á. Theo kết quả xếp hạng QS World University Rankings 2020 (QS World), ĐHQG TPHCM đã thể hiện vị trí tiên phong khi đạt tốp 701-750 của bảng xếp hạng và vươn lên vị trí dẫn đầu các trường ĐH Việt Nam, khi đạt thứ hạng 143 trên bảng xếp hạng QS World University Rankings 2020 - Asia (QS Asia). Ngoài ra, ĐHQG TPHCM là đơn vị duy nhất của Việt Nam xuất hiện trên bảng xếp hạng về khả năng có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, một trong những tiêu chí quan trọng nhất về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục (QS Graduate Employability 2020 - QS GER) ở vị trí tốp 301-350. Cũng trong năm 2019, cùng với ĐHQG TP Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG TPHCM lần đầu tiên xuất hiện trên bảng xếp hạng THE (Time Higher Education) World University Ranking ở vị trí tốp 1001+. Theo tiêu chí đánh giá của các bảng xếp hạng này qua các năm, các hoạt động học thuật, kết nối doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ đang là thế mạnh của ĐHQG TPHCM so với các ĐH trong nước, khu vực.
Đi đầu về nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng
Nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng là những nhiệm vụ cốt lõi mà ĐHQG TPHCM đã đầu tư, phát triển mạnh mẽ. ĐHQG TPHCM đã hình thành hệ thống phòng thí nghiệm tương đối toàn diện, đáp ứng cơ bản nhu cầu nghiên cứu khoa học của lực lượng cán bộ, giảng viên và sinh viên bao gồm: 2 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQG TPHCM và trên 80 phòng thí nghiệm cấp khoa, bộ môn.
ĐHQG TPHCM đã hình thành trên 80 nhóm nghiên cứu tiềm năng và xác định các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên. Trên cơ sở đó, triển khai đề án thí điểm xây dựng Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và phân tử (INOMAR) thành Trung tâm Xuất sắc và chương trình trọng điểm gắn với nhóm nghiên cứu mạnh. Kết quả, đang tập trung đầu tư 9 nhóm nghiên cứu mạnh (5 nhóm đầu tư từ 2019 và 4 nhóm đầu tư từ 2020) và 1 Trung tâm CoE tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.
Nhờ được đầu tư và trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu nên lực lượng các nhà khoa học của ĐHQG TPHCM đã đi đầu trong nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm KH-CN có tầm ảnh hưởng lớn, có tính ứng dụng cao, phục vụ xã hội. ĐHQG TPHCM là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, nhất là trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus. Theo thống kê giai đoạn 2016 đến tháng 10-2019, ĐHQG TPHCM đã công bố 17.853 công trình tại các hội nghị, tạp chí trong và ngoài nước, trong đó 3.232 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus (trong danh mục scopus là trên 5.200 bài). Số bài báo ISI Q1 đạt trên 50% cao hơn trung bình cả nước là 40%, đạt được chỉ tiêu mà Thủ tướng giao nhiệm vụ vào cuối năm 2016.
Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị của ĐHQG TPHCM đã thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ KH-CN với tổng doanh thu trung bình hàng năm khoảng 250 tỷ đồng. ĐHQG TPHCM đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với 458 đơn, 180 đơn đã được cấp bằng (trong đó hơn 50% là các sáng chế, giải pháp hữu ích).
Phục vụ cộng đồng cũng được ĐHQG TPHCM xác định là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu của một trường ĐH. Trong giai đoạn 2016-2020, ĐHQG TPHCM mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, ĐHQG TPHCM đã phối hợp với các địa phương thực hiện 105 nhiệm vụ KH-CN trọng điểm, các đề tài, đề án phát triển du lịch. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ đã hỗ trợ địa phương trong việc giải quyết một số vấn đề nóng hiện nay như: biến đổi khí hậu, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, hỗ trợ các phương tiện trữ nước sạch…
ĐHQG TPHCM cũng đã tích cực tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm, thực hiện Chiến lược phát triển KH-CN của Chính phủ đến năm 2020, như Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển, Chương trình phát triển vật lý; triển khai nhiều hoạt động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nhiệm vụ đổi mới giáo dục đại học
Để thực hiện mục trong nhiệm kỳ 2020-2025, ĐHQG TPHCM đưa ra 8 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ tiên phong là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ủy, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy của đảng viên, cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
ĐHQG TPHCM cũng đưa ra 8 giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên. Trong đó, đáng chú ý là sắp xếp mô hình các tổ chức Đảng cơ sở, tăng cường phát triển đảng viên và phấn đấu chỉ tiêu kết nạp 800 đảng viên mới, tăng 20% so với nhiệm kỳ trước. Tiếp tục đổi mới, chuẩn hóa chương trình đào tạo, 100% cơ sở đào tạo trong hệ thống công nhận môn học, tín chỉ trong chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH…
Trong nghiên cứu khoa học, phấn đấu hình thành 10 nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành và Trung tâm Xuất sắc tương đương khu vực châu Á và thế giới, phấn đấu đạt 15.000 bài báo quốc tế trong cơ sở dữ liệu SCOPUS/web of Science giai đoạn 2021-2025, bằng phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích tăng gấp 5 lần, 10 dự án nghiên cứu liên ngành hợp tác doanh nghiệp và được chuyển giao công nghệ.
|
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)