Tăng 1 đến 2 điểm là phù hợp!
Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố 3 mức điểm sàn xét tuyển đối với khối ngành sức khỏe. Theo đó, điểm sàn nhóm 1, các ngành: Y khoa, răng hàm mặt cùng 21 điểm; ngành y học cổ truyền, dược cùng 20 điểm. Tất cả các ngành nhóm 2 (điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng) có điểm sàn là 18 điểm.
Cùng năm này, khối ngành sức khỏe có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 34.352. Khối ngành này tuy có tổng số nguyện vọng đăng ký không nhiều (chỉ khoảng 200.000 năm 2019) nhưng do chỉ tiêu ít nên tỉ lệ chọi không kém các khối ngành khác.
Thí sinh làm thủ tục nhập học theo phương thức xét học bạ vào Trường ĐH Công nghệ TP HCM
Năm 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sức khỏe được cho là tăng không nhiều so với năm 2019 nhưng kết quả điểm thi tăng; mặt khác, khối ngành sức khỏe luôn hấp dẫn thí sinh nên dự đoán tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt. Dẫn công bố của Bộ GD-ĐT về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 1 đa số thí sinh dự thi) tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh), PGS Ngô Minh Xuân chỉ ra rằng nếu xem xét mức điểm trên 21 đến 22 thì đã có 37.945 thí sinh đạt mức điểm này nên chắc chắn điểm chuẩn năm nay sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm, tùy ngành, tùy trường nên điểm sàn cũng cần tăng chứ không thể giữ nguyên như năm 2019.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), cho rằng phổ điểm thi năm nay cao hơn năm 2019. Nhiều trường ĐH tăng chỉ tiêu xét học bạ và giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT. Do vậy, sẽ có sự cạnh tranh cao ở phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, mức điểm sàn nhóm ngành y khoa, răng - hàm - mặt khoảng 24 điểm; nhóm ngành y học cổ truyền, dược khoảng 23 điểm; nhóm các ngành còn lại khoảng 20 điểm là phù hợp.
Sư phạm khó "đột biến"
Giống như khối ngành sức khỏe, Bộ GD-ĐT cũng quy định điểm sàn đối với ngành sư phạm. Năm 2019, hệ ĐH có điểm sàn là 18, cao đẳng là 16. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng về logic, điểm thi của thí sinh tốt hơn thì điểm chuẩn sẽ cao hơn, điểm sàn sẽ nâng so với năm 2019. Tuy nhiên, điểm sàn hay điểm chuẩn còn phụ thuộc vào lượng thí sinh đăng ký cũng nhưng kết quả điểm thi của thí sinh. Với các trường ĐH ở các trung tâm TP lớn thì điểm sàn không ảnh hưởng nhưng với những trường ở những nơi lâu nay vốn dĩ khó khăn về tuyển sinh thì điểm sàn ở mức bao nhiêu lại là một vấn đề.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Thanh Tân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng điểm trung vị các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng hơn năm 2019 nên có thể đoán định điểm chuẩn của các trường sẽ tăng, điểm sàn sẽ tăng. Dù vậy, điểm sàn có tăng hay không còn tùy thuộc vào lượng thí sinh đăng ký và kết quả điểm thi của những thí sinh đó.
Năm nay, các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, những ngành không phải là sức khỏe hay sư phạm thì điểm sàn lại do trường quy định nên nếu áp điểm sàn sư phạm cao có thể sẽ đẩy một lượng thí sinh đi, vì thế sẽ rất khó đoán định được cụ thể mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT sẽ công bố. Tuy vậy, điểm sàn ngành sư phạm năm nay khả năng sẽ tăng cao hơn năm ngoái.
Điểm sàn tăng có thể gây khó khăn
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết hiện nay số lượng nhập học theo phương thức không dùng điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường rất thấp so với số giấy báo gọi nhập học (chứ chưa so với chỉ tiêu). Nhiều trường chỉ ở mức 10%, trường nào có tỉ lệ nhập học so với số giấy báo gọi nhập học 30%-40% là quá tốt rồi. Do vậy, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn nhiều. Nếu tăng điểm sàn ở mức 2 điểm không chừng sẽ gây khó cho nhiều trường.
Bài và ảnh: Huy Lân - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)