Kết quả tuyển sinh thấp
Năm 2020, có 67 trường ĐH, CĐ (bao gồm cả các trường, khoa thuộc ĐHQG TP HCM) sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển với một tỉ lệ tuyển sinh nhất định. Tuy nhiên, do kết quả tuyển sinh từ phương thức này không đạt chỉ tiêu như đề ra nên nhiều trường đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời giảm tỉ lệ chỉ tiêu từ phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực.
Tại Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP HCM), phương thức xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực theo kế hoạch đề ra là chiếm từ 35%-45% tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh không đạt được nên mới đây trường đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Số liệu của trường cho biết tổng chỉ tiêu năm 2020 là 3.339 thì còn tới 2.855 cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nghĩa là phương thức xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực cùng với 3 phương thức khác mới tuyển được 484.
Tương tự, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) có kế hoạch dành 40% tổng chỉ tiêu để xét từ kết quả thi đánh giá năng lực nhưng kết quả không đạt, mới đây trường cũng phải tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 40% lên 85%. Ở nhiều trường ĐH khác trong và ngoài ĐHQG TP HCM, kết quả xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực đều không đạt chỉ tiêu đề ra.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho rằng tỉ lệ tuyển sinh từ kết quả thi đánh giá năng lực của các trường ĐH thuộc ĐHQG TP HCM không đạt như kỳ vọng vì lý do khách quan, cụ thể là dịch Covid-19 khiến lịch thi phải thay đổi thường xuyên. Tuy kết quả tuyển sinh của các trường không đạt như kế hoạch đề ra nhưng lại tốt hơn năm 2019, hiệu quả của kỳ thi không chỉ là kết quả tuyển sinh mà còn thể hiện ở nhiều phương diện khác, đặc biệt là cách đánh giá và tính ổn định...
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM năm 2020
Sẽ thi nhiều đợt trong năm
Ông Chính cho biết năm 2021 ĐHQG TP HCM vẫn chỉ tổ chức 2 đợt thi nhưng định hướng trong thời gian tiếp theo là tổ chức nhiều hơn 2 đợt/năm trên nguyên tắc thí sinh dự thi phải bảo đảm một lượng lớn kiến thức bậc THPT.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết để tổ chức thi đánh giá năng lực, ĐHQG TP HCM đã có sự chuẩn bị lâu dài ở mọi mặt, hiệu quả trong công tác đánh giá được khẳng định là có chất lượng, vì thế không nên bỏ. Hơn nữa, lâu nay các trường tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT mà việc này không nên duy trì mãi vì tuyển sinh ĐH cần những cách đánh giá riêng, đặc biệt là tuyển sinh vào những ngành đặc thù như sư phạm, sức khỏe...
PGS-TS Hội Nghĩa khẳng định thi đánh giá năng lực để tuyển sinh là xu hướng nên kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM sẽ không dừng lại ở 1 hay 2 đợt thi trong năm mà là nhiều đợt/năm, ví dụ như mỗi quý 1 đợt thi. Tổ chức như thế để tạo thuận lợi cho thí sinh bởi cứ dồn vào thời điểm giữa và cuối học kỳ II năm lớp 12 thì thời điểm hiện nay, thí sinh rất áp lực vì phải lo thi kết thúc năm học, thi tốt nghiệp THPT rồi lại tham gia thi đánh giá năng lực…; đồng thời việc tổ chức nhiều đợt thi trong năm cũng thuận lợi cho các trường tuyển sinh quanh năm. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định tổ chức nhiều hơn 2 đợt/năm cần có sự đánh giá toàn diện.
Nên bảo lưu kết quả 2 năm
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết kết quả kỳ thi hiện nay vẫn chỉ có giá trị trong năm nhưng có thể sắp tới, ĐHQG cần nghiên cứu, đánh giá xem có thể bảo lưu kết quả trong 2 năm hay không. Hiện nay, nhiều học sinh lớp 11 vẫn tham gia thi đánh giá năng lực, tất nhiên là thi thử để cho biết; hay là thí sinh lớp 12 thi nhưng vì lý do nào đó mà chưa dùng kết quả để học ĐH..., nếu được bảo lưu thì sức hút của kỳ thi tốt hơn.
Bài và ảnh: Huy Lân - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)