Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp trong giờ học nhóm
Chương trình giáo dục Công nghệ tuân thủ quan điểm xây dựng chương trình đã nêu trong CTGDPT. Trong đó, quan điểm định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh là tư tưởng chủ đạo. Với quan điểm này, chương trình môn Công nghệ xác định khung năng lực công nghệ, thể hiện rõ cơ hội hình thành và phát triển năng lực đặc thù môn học, năng lực chung cốt lõi trong mỗi mạch nội dung, chủ đề của môn học.
Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã cho phép 4 cơ sở đang đào tạo giáo viên trên cả nước mở thêm mã ngành Sư phạm (SP) Công nghệ, để đáp ứng kịp thời nhu cầu giảng dạy của CTDGPT 2018 được áp dụng theo lộ trình từ năm học 2020-2021 đối với khối lớp 1, năm học 2021-2022 đối với khối lớp 6 và năm học 2022-2023 với khối lớp 10.
Trường Đại học Đồng Tháp với truyền thống hơn 45 năm đào tạo giáo viên, cùng với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, trong đó khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là nòng cốt; nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ cộng đồng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Trường Đại học Đồng Tháp là 1 trong 4 cơ sở được giao mở mã ngành và tuyển sinh ngành SP Công nghệ từ năm 2018 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trước nhiệm vụ đặt ra cho các cơ sở đào tạo giáo viên đáp ứng kịp thời nhiệm vụ giáo dục trong CTGDPT (2018), sinh viên được đào tạo ngành SP Công nghệ sẽ là đội ngũ chuyên môn giảng dạy tại các trường THPT và có thể giảng dạy ở bậc tiểu học và THCS. Đồng thời, đây cũng sẽ là ngành đào tạo SP hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
TS.Lương Thanh Tân - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ: “Trong CTGDPT hiện hành, môn Công nghệ ở trường phổ thông có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là với Toán học và Khoa học. Cùng với Toán học, Khoa học tự nhiên, Tin học, môn Công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông – một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, nhu cầu đặt ra là đào tạo được đội ngũ chuyên môn có kĩ năng SP phù hợp để đáp ứng nhu cầu thực tế là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các em học sinh có định hướng chọn ngành nghề SP nên chú ý đến ngành học SP Công nghệ, chúng tôi dự đoán đây sẽ là ngành SP thiếu hụt giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn, vì từ năm 2018 đến nay hầu hết 4 cơ sở được phép đào tạo ngành SP Công nghệ đều có số lượng tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, học sinh sẽ làm quen với môn Công nghệ theo CTGDPT 2018 từ lớp 3 đến lớp 12, cụ thể chương trình đã được áp dụng vào năm học 2020-2021 từ lớp 1”.
Trong CTGDPT, giáo dục công nghệ cho học sinh được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua môn Tin học và Công nghệ ở Tiểu học và môn Công nghệ ở THCS và THPT. Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản; là môn học lựa chọn, thuộc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật) trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Trong thời gian tới, trước nhu cầu mới của giáo dục với sự thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục công nghệ ở phổ thông, thực hiện quan điểm giáo dục toàn diện cho học sinh, các trường phổ thông cần đảm bảo đội ngũ giáo viên dạy công nghệ đủ về số lượng, được đào tạo đúng chuyên môn trên cơ sở kiến thức được cập nhật theo nhu cầu thực tế của giáo dục hiện nay. Năm 2020, Trường Đại học Đồng Tháp tuyển sinh ngành SP Công nghệ (mã ngành 7140246) trình độ đại học với 30 chỉ tiêu bằng 4 phương thức tuyển sinh đa dạng. Thông tin chi tiết tại website: http://tuyensinh.dthu.edu.vn
THANH NGUYÊN - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)