Đủ điểm đậu ĐH vẫn lựa chọn trường nghề

Thứ năm, 22 Tháng 10 2020 10:42 (GMT+7)
Học trung cấp, CĐ nghề không còn là đường vòng mà là đường tắt đón đầu xu thế tuyển dụng của doanh nghiệp
Trong tổng số 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có 643.122 em đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 71,45%), giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019.
 
Số liệu trên được Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
 
Mảng màu sáng của tuyển sinh
 
Tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ giảm qua từng năm (2019 là 74,01%, năm 2018 là 74,37%) cho thấy công tác hướng nghiệp ngày càng được chú trọng. Nhận thức của học sinh về bậc học CĐ, trung cấp cũng đang dần thay đổi.
Đủ điểm đậu ĐH vẫn lựa chọn trường nghề - Ảnh 1.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học văn hóa.Ảnh: TẤN THẠNH
 
Theo ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, việc học trung cấp không còn quá xa lạ với nhiều gia đình. Hiện đó là xu hướng tích cực vì nhiều gia đình thấy rằng học nghề rất hợp lý và tạo nguồn thu nhập tốt cho các em. Chỉ mất khoảng từ 1 đến 1 năm rưỡi là các em có tay nghề ổn định sau đó tiếp tục học lên ĐH với nguồn tài chính của mình.
 
"Học trung cấp không còn là đường vòng mà là đường tắt đón đầu xu thế tuyển dụng của doanh nghiệp. Ngoài ra, năm nay các trường ĐH tư thục dồn lực thu hút thí sinh càng nhiều càng tốt biến công đoạn tuyển sinh thành "phiên chợ" đầy màu sắc, cạnh tranh quyết liệt. Chưa khi nào ở kỳ tuyển sinh mà người học không còn sợ rớt, chỉ sợ đậu không đúng chỗ như năm nay" - ông Phương nhận định.
 
Vì thế, theo ông Phương, học sinh có xu hướng chọn ngay trường nghề để học sau khi tốt nghiệp THPT là mảng màu sáng của tuyển sinh 2020.
 
Ông Phương cũng thông tin ngoài chỉ tiêu 300 hồ sơ xét tuyển đối với phương thức xét tuyển học bạ, trường đã tăng thêm 200 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Đến nay, lượng hồ sơ đã đạt 50% và sẽ tiếp tục tuyển sinh đến tháng 12-2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên thời gian tuyển sinh mới kéo dài như vậy.
 
Tại Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, tỉ lệ tuyển sinh đã đạt 70% so với chỉ tiêu đưa ra. Trong đó, phương thức xét tuyển bằng học bạ chiếm 80%, bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 20%. Trường sẽ tiếp tục xét tuyển đến hết ngày 30-10, dự kiến đạt 90% chỉ tiêu, trong đó 60% từ phương thức xét học bạ và 30% từ điểm thi tốt nghiệp.
Ông Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, nhìn nhận đây là tín hiệu đáng mừng đối với các trường cao đẳng, trung cấp. Mặc dù gặp khó khăn trong chương trình hướng nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng những thông tin của các trường đưa đến phụ huynh, học sinh thực sự hữu hiệu, học sinh đã dần thay đổi tư duy, có bạn đặt hướng đi và nhìn nhận thực sự mình thích cái gì, không còn chạy theo tiếng tăm nữa.
 
Điểm cao vẫn chọn học nghề
 
Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP HCM, chỉ tiêu 3.000 thí sinh đã tuyển đủ trong một đợt, phương thức xét học bạ tuyển 30% chỉ tiêu, xét điểm tốt nghiệp THPT chiếm 70%. Theo số liệu thống kê của trường này, điểm xét theo phương thức học bạ từ 17 trở lên chiếm 99%, theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT từ 20 điểm trở lên chiến 87,46%. Điểm chuẩn của các ngành tăng cao nhất là 3 điểm so với năm ngoái.
 
Ông Trần Phương cho biết tại trường này, 20% thí sinh nộp hồ sơ vào học bằng điểm thi tốt nghiệp đều đạt ở mức cao, đủ để đậu ĐH, trung bình mỗi môn các em được 7 điểm. Như vậy, học sinh đã nhận thấy được tầm quan trọng của học nghề, nắm bắt được mong muốn của bản thân, một phần cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19 lên kinh tế.
 
Học sinh có điểm từ 24 đến 25 nộp hồ sơ vào Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn cũng không hiếm. Ông Hoàng Văn Phúc cho rằng học sinh đã dần xác định được sở thích, đam mê ngành nghề mới là quan trọng chứ bậc học nào không còn quan trọng nữa. Nhìn vào thực tế để đưa ra quyết định là điều đúng đắn. 
 
Tư duy đã thay đổi
 
Bà Dương Thị Tuyết Loan, Phó Phòng Đào tạo - Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP HCM, cho hay thủ khoa của trường năm nay đạt đến 26,15 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Với số điểm này, thí sinh hoàn toàn có thể bước chân vào đại học nhưng vẫn lựa chọn học nghề vì biết được điều gì mới là quan trọng.
 
"Hiện nay các em học sinh đã thay đổi tư duy nhiều, học ĐH hay CĐ không còn quan trọng. Điều các em quan tâm là được thực hành, được ra trường sớm, bắt tay vào công việc sớm và trở thành lao động lành nghề" - bà Loan nêu quan điểm.
 
Nguyễn Thuận - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...