Một buổi chia sẻ về khởi nghiệp dành cho sinh viên
Câu lạc bộ sinh viên khởi nghiệp (CLB SVKN) Trường Đại học Đồng Tháp là tổ chức xã hội tự nguyện của SV, học viên, giảng viên, cựu SV, cựu học viên. Giai đoạn 2017 - 2020, CLB SVKN đã tổ chức nhiều hoạt động khơi nguồn, khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ SV hình thành và phát triển ý tưởng khởi nghiệp, kết nối các ý tưởng với cộng đồng doanh nghiệp cho SV.
CLB SVKN đã tổ chức 4 lớp tập huấn khởi nghiệp, phối hợp tổ chức chương trình “Giao lưu với Doanh nhân và giới thiệu Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can” với 400 SV tham gia, tổ chức các chuyến xe “Startup tour” học tập các mô hình mới, cách làm hay trong hoạt động khởi nghiệp và lập nghiệp từ các trung tâm khởi nghiệp; kết nối cho hội viên gặp gỡ, giao lưu với doanh nhân tiêu biểu. CLB phối hợp với Khoa Kinh tế tổ chức bồi dưỡng SV tham gia “Giải thưởng tài năng Lương Văn Can”. Kết quả đã có 10 dự án đạt giải, với các dự án tiêu biểu: Dầu dừa Mặt Trời, Bột mít Organic, Bánh mứt mãng cầu HPN, Trà lá xoài. Năm 2020, CLB ra mắt không gian “Startup student” tạo không gian kết nối, chia sẻ, sân chơi dành cho hội viên.
CLB SVKN bước đầu tạo dựng được nền tảng cơ bản hỗ trợ SV khởi nghiệp. Tuy nhiên, “câu chuyện SV khởi nghiệp” là quá trình dài, để dự án khởi nghiệp của SV không phải “lủi thủi”, “đơn thương độc mã” tìm đường, CLB cần tập trung phát triển về “chất lượng”, hỗ trợ các dự án tiềm năng, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mang tính độc đáo về đặc thù thế mạnh đào tạo, nghiên cứu của trường.
Để tăng cường hỗ trợ SV khởi nghiệp trong thời gian tới, CLB SVKN cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần khởi nghiệp của SV; đẩy mạnh công tác tạo môi trường học tập rèn luyện, tìm kiếm, bồi dưỡng hạt nhân khởi nghiệp; củng cố và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các tổ chức đoàn thể xã hội, doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Tháp, cựu SV của trường; kịp thời đề xuất nhà trường tạo thêm cơ chế chính sách, tuyển chọn và phân công cán bộ chuyên trách lĩnh vực khởi nghiệp; mở rộng thêm không gian kết nối, sân chơi sáng tạo, gần gũi cho SV; tận dụng, khai thác hiệu quả các kênh thông tin hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia.
Cốt lõi của khởi nghiệp là công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, muốn hỗ trợ SV khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái SV khởi nghiệp có hiệu quả và bền vững, cần phải gắn kết với nền tảng kiến thức và kỹ năng. SV cần được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục STEM và được trải nghiệm thực tiễn trong quá trình học tập. Đồng thời, các khoa cần kết nối với các thế hệ cựu SV để SV đang học có thể giao lưu học hỏi, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để lực lượng cựu SV “quay trở về” khoa, trường cùng hỗ trợ phong trào SV khởi nghiệp.
Trong cẩm nang ghi lại kinh nghiệm khởi nghiệp của nước ngoài, chúng tôi tìm gặp câu đúc kết rất độc đáo: “Nếu muốn đóng một con tàu lớn, đừng chỉ phân công mọi người cùng đi lấy gỗ, cũng đừng chỉ giao nhiệm vụ và công việc cụ thể, mà hãy trao truyền cho họ: cảm hứng và khát khao chinh phục sự bao la, vô tận của biển khơi”. Cùng với ý tứ đầy ẩn dụ đó, chúng tôi nghĩ rằng: cần “định vị” câu chuyện SV khởi nghiệp không phải (và không nên) “chạy theo” phong trào, mà cần được thực hiện phù hợp với tình hình phát triển thực tế của khoa, trường, của địa phương và đặc biệt là ở chính “người khởi nghiệp”, để khởi nghiệp thật sự là nhu cầu, khát vọng tự thân của SV. Khi đó, khởi nghiệp mới mang hồn cốt của một lẽ sống và mang giá trị cuộc sống.
THANH HẢI – VĂN NGHIÊM - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)