Tính thực tiễn của giáo dục Mỹ
Theo báo cáo hằng năm Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế (IIE) vừa công bố, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong những nước có sinh viên (SV) du học tại Mỹ, với 23.777 SV ở bậc ĐH trong năm học 2019-2020. SV Việt Nam đóng góp 827 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm học này.
Theo đó, SV quốc tế tiếp tục chiếm 5,5% trong tổng số SV ở bậc ĐH tại Mỹ với 1.075.496 SV năm học 2019-2020. Cũng trong báo cáo này, trong 23.777 SV Việt Nam du học tại Mỹ, có 69,8% học ĐH, 15,3% sau ĐH, 11,4% tham gia vào chương trình thực tập không bắt buộc (OPT) và 3,5% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng. Số liệu trong báo cáo cũng cho thấy sự tăng nhẹ trong số lượng SV Mỹ đến Việt Nam, từ 1.228 trong năm học 2017-2018 lên 1.235 trong năm học 2018-2019.
TS Nguyễn Quốc Toàn chia sẻ cùng các vị phụ huynh về du học Mỹ
Vì sao du học Mỹ luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với SV quốc tế và Việt Nam? Là một người từng trải nghiệm môi trường du học tại Úc và Mỹ, TS Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập và là CEO của Equest Education chia sẻ lý do anh chọn Mỹ để làm luận án TS là vì giáo dục Mỹ có những sự khác biệt quan trọng, đó là tính thực tiễn cao. Những cái mới luôn được cập nhật trong giáo trình, những gì nước Mỹ tạo ra thì SV phải được tiếp cận và sử dụng ngay. Trong khi giáo trình của các trường tại Úc hay Canada nội dung kinh viện còn nhiều. Bên cạnh đó, giáo dục ở Mỹ đánh giá học thuật của SV thông qua nỗ lực, có khi bài làm chỉ đúng 2,5/10 câu vẫn có thể được điểm cao vì họ đánh giá tính ứng dụng trong ý tưởng và kết quả. Điều này không giống các trường ở Úc hay Pháp, thường đánh giá SV thông qua con số tuyệt đối, ví dụ bài thi phải đạt 70%-80% trở lên mới đạt điểm A. "Các trường ở Mỹ thường chỉ tính số lượng phần trăm bao nhiêu người đạt được điểm cao chứ không đánh giá điểm tuyệt đối, quan trọng nhất là nỗ lực của người học" - TS Toàn nhấn mạnh.
Tính thực dụng của giáo dục Mỹ còn thể hiện ở chỗ nếu xin được việc rồi thì các SV sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để có thể tốt nghiệp. Triết lý của các giáo sư ở Mỹ là năng lực thể hiện ở thị trường lao động, SV tốt nghiệp làm được việc hay không, nghiên cứu của SV có tác động, tạo ra thành quả hay không chứ không phải điểm số. Tại Mỹ, thị trường lao động rất đa dạng, cạnh tranh, có thể tìm được việc dễ dàng hơn Canada, Đức… Đây là một trong những ưu thế khi chọn du học tại Mỹ.
ĐH cộng đồng, lựa chọn nhiều lợi thế
Các chuyên gia giáo dục cho rằng ĐH cộng đồng là phát minh vĩ đại của Mỹ về giáo dục. ĐH cộng đồng là các trường công với chương trình đào tạo 2 năm theo hướng khai phóng, chuyên sâu một phần để sau khi tốt nghiệp 2 năm, SV có thể đi làm ngay được hoặc có thể chuyển tiếp lên ĐH khác. Tại Mỹ, hiện có khoảng 900 trường ĐH cộng đồng, học phí chỉ từ khoảng 3.000-7.000 USD/năm. Các trường ĐH cộng đồng được 6 cơ quan kiểm định chất lượng tiến hành kiểm định, nếu ĐH cộng đồng đạt kiểm định thì SV có thể chuyển tiếp lên các trường ĐH bình thường khác.
TS Trần Vinh Dự, thành viên trong Ban Điều hành cấp cao của Ernst & Young (EY), cho rằng với mức học phí của ĐH cộng đồng thì SV làm thêm bằng việc rửa chén cũng có thể đủ khả năng chi trả. Bên cạnh đó, nếu tốt nghiệp ĐH cộng đồng vẫn có thể chuyển tiếp lên ĐH lớn của Mỹ nếu chứng tỏ được năng lực. TS Dự dẫn chứng 2 trường hợp, đó là Trần Đăng Khoa, một du học sinh Việt Nam - từng học ĐH cộng đồng 2 năm, sau đó chuyển tiếp 2 năm ĐH và làm luận án TS. Hiện Khoa đang làm việc tại Microsoft với thu nhập nửa triệu USD/năm. Một SV Việt Nam khác từng phục vụ trong nhà hàng, theo học và tốt nghiệp ĐH cộng đồng, ra trường được một công ty lớn tuyển dụng và thu nhập hiện nay xấp xỉ 200.000 USD/năm. "Đây là những du học sinh thành đạt, phải nói là từ hai bàn tay trắng - do hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn và đã nỗ lực vươn lên rất nhiều" - TS Dự dẫn chứng.
TS Nguyễn Quốc Toàn cho rằng ưu thế của ĐH cộng đồng là SV học chưa giỏi có thể học theo tốc độ của mình, chứ không phải chịu áp lực khủng khiếp như các ĐH bình thường và thời gian học 2 năm ở ĐH cộng đồng có tính ứng dụng cao. Hiện 59% số y tá, người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Mỹ tốt nghiệp ĐH cộng đồng, cho thấy đây là một lựa chọn hấp dẫn.
TS Trần Vinh Dự cũng cho biết nhiều ĐH ở Mỹ có cam kết sẽ nhận chuyển thẳng SV tốt nghiêp ĐH cộng đồng. Một số trường ĐH danh tiếng như Harvard, Columbia… thì có đánh giá các điều kiện đầu vào khác, song khi được nhận thì các tín chỉ đã học ở ĐH cộng đồng đều được công nhận.
Không phù hợp với SV xuất sắc
Tuy nhiên, ĐH cộng đồng vẫn còn một số hạn chế. "Rõ ràng, chất lượng của ĐH cộng đồng không thể bằng các ĐH lớn khác nhưng về chất lượng tối thiểu các trường này đều phải đạt vì đã được kiểm định. SV nào có năng lực xuất sắc, muốn học trường ĐH có thương hiệu thì ĐH cộng đồng không phải là lựa chọn phù hợp" - TS Nguyễn Quốc Toàn lưu ý.
Bài và ảnh: Gia Thùy - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)