Chưa tận dụng được cơ hội
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết có 3 chương trình liên kết quốc tế với 3 trường ĐH ở Úc và Pháp tổ chức tuyển sinh và đào tạo 10 ngành. Kết quả tuyển sinh năm nay, mỗi ngành mở được 1 lớp từ gần 20 đến 30 sinh viên/lớp (tùy ngành). Kết quả này, về cơ bản không khác kỳ tuyển sinh của các năm trước.
Tại các trường ĐH khác, kết quả tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế cũng không khá hơn các năm trước. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết trường hiện đang liên kết đào tạo với ĐH Lincoln Mỹ , ĐH Mở Malaysia, ĐH CY Cergy - Paris (Pháp) đào tạo 6 ngành theo hình thức đào tạo 2 giai đoạn. Cũng như các kỳ tuyển sinh trước, năm nay mỗi ngành cũng tuyển được khoảng 40 sinh viên.
Một lớp học chương trình liên kết quốc tế tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng có chương trình liên kết với ĐH Angelo State (ASU, Mỹ) tổ chức đào tạo 7 chuyên ngành theo hình thức đào tạo 2 giai đoạn. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết chương trình liên kết này bắt đầu tuyển sinh từ năm 2019, năm 2020 trường cũng thông báo tuyển sinh nhưng kết quả rất hạn chế nên trường không thể tổ chức đào tạo. Ông Nhân cũng cho biết ĐH Angelo State là trường có thứ hạng cao ở Mỹ. Tại Việt Nam, ngoài Trường ĐH Công nghiệp TP HCM thì Trường ĐH Ngoại thương cũng là đối tác tổ chức liên kết đào tạo với ĐH Angelo State.
Vì sao chương trình liên kết quốc tế chưa hấp dẫn?
Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại các trường ĐH ở Việt Nam có nhiều hình thức như đào tạo toàn thời gian tại Việt Nam, tốt nghiệp sinh viên vẫn nhận bằng do trường ĐH nước ngoài cấp; nhiều chương trình đào tạo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 học tại Việt Nam, giai đoạn 2 học ở trường nước ngoài. Về lợi thế, sinh viên tiết kiệm được chi phí đáng kể so với học toàn phần ở nước ngoài. Nhưng vì sao các chương trình liên kết quốc tế lại chưa hấp dẫn học sinh?
PGS-TS Nguyễn Minh Hà cho biết ở thời điểm hiện nay, một số quốc gia đã mở cửa để đón sinh viên quốc tế dù chưa thể kiểm soát được dịch Covid-19. Nói như vậy để thấy các trường ĐH không thể đóng cửa từ năm này qua năm khác. Với học sinh có kế hoạch du học, dịch Covid-19 bất ngờ nhưng chưa đủ để học sinh quyết định ở lại học trong nước, nhiều em vẫn chờ sang năm 2021 để có quyết định đi hay ở. Nếu năm 2021, thế giới vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, học sinh không thể đi du học thì có thể chương trình liên kết quốc tế tuyển sinh sẽ tốt hơn.
Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng các chương trình liên kết quốc tế có đối tượng tuyển sinh riêng. Với những học sinh dự định du học nhưng vì dịch bệnh không thể đi trong năm nay thì các em hoặc là học ở trường quốc tế tại Việt Nam hoặc vào ĐH học chương trình Việt Nam chứ ít khi chọn học chương trình liên kết. Vì vậy, tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế cũng chỉ như mọi năm.
Đại diện một số trường ĐH khác cho rằng kinh tế khó khăn do dịch bệnh tàn phá cũng là lý do khiến học sinh không chọn chương trình quốc tế. Năm nay, khi học sinh không thể đi du học thì các trường ĐH tuyển sinh chương trình trong nước dự báo sẽ khả quan hơn.
Mở nhiều chương trình mới
Năm 2021, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) mở 2 ngành học mới là khoa học dữ liệu và kỹ thuật ôtô, nâng tổng số ngành đào tạo hệ ĐH lên con số 16. PGS-TS Đinh Thị Mai Thanh, hiệu trưởng nhà trường, cho hay các chương trình giảng dạy được xây dựng theo chuẩn quốc tế, bám sát nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động thời kỳ 4.0 với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Liên minh 40 trường ĐH và tổ chức nghiên cứu Pháp và sự kết hợp chặt chẽ từ các doanh nghiệp.
Trong khi đó, Trường ĐH Việt Đức dự kiến mở ngành mới là kỹ thuật y sinh (hợp tác với ĐH Khoa học ứng dụng Mittelhessen, ngoài ra còn có thêm 3 chương trình đào tạo thạc sĩ trong năm tới: an ninh thông tin (hợp tác với ĐH Khoa học ứng dụng Darmstadt), khoa học vật liệu (hợp tác với ĐH Magdeburg), kinh tế và tài chính toàn cầu (cao học, hợp tác với ĐH Goethe Frankfurt). Trong năm 2022, trường tiếp tục có thêm một ngành mới ở bậc ĐH là kỹ thuật xử lý môi trường.
Nói thêm về chính sách tuyển sinh dành cho thí sinh theo học THPT tại nước ngoài hay các chương trình quốc tế tại Việt Nam nhưng do dịch Covid-19 phải hủy kế hoạch đi du học, PGS-TS Đinh Thị Mai Thanh biết thêm USTH có những chính sách tuyển sinh linh hoạt dành cho các đối tượng này.
Y.Anh
Bài và ảnh: Huy Lân - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)