Tín hiệu tích cực đào tạo nghề chất lượng cao

Thứ năm, 31 Tháng 12 2020 07:18 (GMT+7)
Hiện nay, nhiều cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở TP Cần Thơ tăng cường đầu tư các nguồn lực, đa dạng hóa loại hình đào tạo, trong đó mở rộng đào tạo nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, ASEAN.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ.
 
Tại Xưởng thực hành của Khoa Động lực, Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Cần Thơ, các sinh viên nghề Công nghệ ô tô (chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của CHLB Đức) vừa tập trung thực hành đến thuần thục việc đấu nối các thiết bị ô tô, vừa đối chiếu lý thuyết đã học trên lớp để hiểu bài học sâu hơn. Võ Hoàng Son, sinh viên ngành Công nghệ ô tô của trường, cho biết: “Sau hơn một năm theo học, tôi đã thực sự yêu thích nghề này. Vừa học vừa thực hành nên tôi hiểu và biết cách sử dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Thầy cô luôn cập nhật, giảng dạy những kiến thức công nghệ mới. Nhà trường còn tạo điều kiện cho chúng tôi được thực hành với trang thiết bị hiện đại, nên càng học càng hào hứng vì thấy bản thân vững tay nghề hơn”. Võ Hoàng Son cho biết thêm, mỗi một học kỳ có chuyên gia từ Đức kiểm tra tay nghề, nên sinh viên không chỉ nỗ lực học nghề mà còn rèn thêm ngoại ngữ, để sau khi tốt nghiệp ra trường có thêm cơ hội tham gia thị trường lao động ở nước ngoài.
 
Chương trình đào tạo nghề Công nghệ ô tô được chuyển giao từ CHLB Đức là một trong những nghề trọng điểm của Trường CĐ Nghề Cần Thơ. Trước khi chuyển giao chương trình, chuyên gia của Đức sẽ kiểm tra nguồn lực của trường để chọn đầu tư. Ban Giám hiệu nhà trường cử 4 giảng viên sang Đức tập huấn chuyên sâu về nghề ô tô theo chương trình của nước bạn trong 5 tháng. Khi chuẩn bị chu đáo về nguồn lực, trường tuyển sinh với đầu vào có điểm trung bình THPT từ 8.0 trở lên, tiếng Anh 6.5 trở lên. Có 31 sinh viên trúng tuyển và học chương trình này trong 1 học kỳ, sau đó trải qua sát hạch tay nghề, tiếng Anh và từ đó có 18 sinh viên được chọn vào học chương trình chính thức. Thầy Dương Chí Thiện, Phó Trưởng khoa Động lực, Trường CĐ Nghề Cần Thơ, cho biết: “Sinh viên học theo chương trình chuẩn của Đức có thời gian thực hành nhiều hơn gấp 3 lần so với chương trình bình thường. Phần lớn các em thực hành tại doanh nghiệp. Việc đánh giá, công nhận kết quả chương trình do chuyên gia Đức thực hiện; nên đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ người học, mà cả của giảng viên của trường, để đảm bảo chất lượng đào tạo”. Khi sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp hai bằng: một bằng CĐ của Việt Nam và một bằng nghề quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp, kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận; đủ năng lực tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế; hoặc có thể học liên thông lên trình độ cao hơn tại Ðức hay tại các quốc gia tiên tiến khác.
 
Trường CĐ Nghề Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là trường dạy nghề trọng điểm chất lượng cao, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 40 trường CĐ chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Từ đó góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GDNN ở Việt Nam. Bên cạnh 14 nghề trình độ CĐ và 11 nghề trình độ trung cấp, Trường CĐ Nghề Cần Thơ đào tạo 5 ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế là Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Quản trị mạng máy tính, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp; 3 nghề trọng điểm cấp độ ASEAN gồm Cắt gọt kim loại, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Trong thời gian này, trường được UBND TP Cần Thơ đầu tư hệ thống nhà xưởng, cơ sở vật chất với kinh phí tương đương 100 tỉ đồng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư 100 tỉ đồng hiện đại hóa các trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề với quy mô 5.000 học sinh, sinh viên.
 
Theo Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, nhà trường đã tranh thủ sự ủng hộ của Tổng cục GDNN và các đối tác để thực hiện một số dự án, trong đó có các dự án đào tạo giảng viên, cán bộ quản lý trong và ngoài nước (tại Anh, Úc, Đức…). Đồng thời được chuyển giao chương trình đào tạo chuẩn của Đức (ngành Công nghệ ô tô), Úc (2 nghề Quản trị mạng máy tính và Công nghệ thông tin - Ứng dụng phần mềm), Hàn Quốc (nghề Cắt gọt kim loại)… Trường còn đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp để đưa sinh viên thực hành thực tập, nâng cao tay nghề. Từ đó chất lượng giáo dục của trường nâng lên, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp khoảng 90%.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.
 
Cũng nằm trong chiến lược trên, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ được đầu tư 5 nghề trọng điểm cấp quốc gia. Giai đoạn 1, trường được hỗ trợ 3 tỉ đồng đầu tư 1 trong 5 ngành trên để hiện đại hóa trang thiết bị thực hành thực tập. Thạc sĩ Lê Hoàng Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Sinh viên tốt nghiệp những ngành trọng điểm sẽ có năng lực tay nghề, trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Thời gian qua trường đã đầu tư nguồn lực con người, cơ sở vật chất để phục vụ học tập, thực hành của sinh viên. Đồng thời, trường tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành thực tập, giải quyết hiệu quả việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp”. Trần Bảo Nghi, sinh viên lớp Chăn nuôi thú y (ngành được đầu tư trọng điểm), cho biết: “Được học, thực hành với trang thiết bị mới, hiện đại; thầy cô luôn cập nhật kiến thức; tôi hiểu sâu hơn kiến thức đã học và áp dụng vào thực tế khi làm việc”.
 
* * *
Thực hiện Chiến lược Phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ, TP Cần Thơ hiện có 8 cơ sở GDNN được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đào tạo các ngành, nghề trọng điểm các cấp. Cụ thể ở 5 trường CĐ như sau: Trường CĐ Nghề Cần Thơ có 5 nghề trọng điểm cấp quốc tế, 3 nghề cấp khu vực ASEAN; Trường CĐ Du lịch Cần Thơ có 5 nghề cấp quốc tế, 2 nghề cấp khu vực ASEAN; Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ có 5 nghề cấp quốc gia; Trường CĐ Y tế Cần Thơ có 1 nghề cấp khu vực ASEAN và 4 nghề cấp quốc gia; Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ có 1 nghề cấp khu vực ASEAN và 3 nghề cấp quốc gia. Bậc trung cấp có 3 trường: Trung cấp Nghề Thới Lai có 3 nghề cấp quốc gia; Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Cần Thơ có 1 nghề cấp quốc gia và Trung cấp Giao thông vận tải miền Nam có 1 nghề cấp quốc gia.
 
Các cơ sở GDNN được thụ hưởng từ chương trình trên thực hiện đổi mới quản lý, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Phần lớn các đơn vị đều điều chỉnh chương trình, cơ cấu thời lượng giữa lý thuyết và thực hành theo hướng tăng dần tỷ trọng thực hành lên hơn 50% đến hơn 70%. Các trường chủ động tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo và thực hành. Đây cũng được xem là mũi đột phá khi các trường gửi giảng viên đến doanh nghiệp tiếp cận thực tế sản xuất, đưa sinh viên đến thực tập và nhận phản hồi về chương trình đào tạo để điều chỉnh phù hợp thực tế sản xuất.
 
Thạc sĩ Lê Hoàng Thanh cho biết sắp tới Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ mở thêm 2 ngành nghề Quản lý siêu thị, Logistics cũng như nâng cấp thêm ngành trọng điểm quốc gia lên khu vực ASEAN, do đó rất cần sự hỗ trợ nguồn lực từ Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương, để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Thạc sĩ Trang Vũ Phương cũng chia sẻ: “Để trường phát triển, nhà trường rất cần sự hỗ trợ từ Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương cũng như các đối tác hỗ trợ trường đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Bên cạnh đó, trường tiếp tục phát huy nội lực, tạo điều kiện để giảng viên học nâng chuẩn, thường xuyên rà soát hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo xu hướng hiện đại”.
 
Bài, ảnh: Bích Kiên - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...