Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ.
Giờ thực hành của sinh viên ngành Dược do Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Trân, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ phụ trách, diễn ra nghiêm túc. Sau khi cô Huyền Trân trình bày và thực hiện bài học, sinh viên thao tác một cách thuần thục phần cân, đo phân lượng thuốc… Nguyễn Hoàng Mai, sinh viên năm thứ 2 ngành Dược của trường, cho biết: “Trong chương trình học, ngoài kiến thức cơ bản về thuốc, tôi được đào tạo chuyên về bào chế. Kiến thức từ lý thuyết đến thực hành, kỹ năng thao tác được các thầy cô truyền đạt chi tiết. Tôi nhớ sâu lý thuyết vì thầy cô luôn có ví dụ thực tiễn, thực hành kèm theo”. Song song với kiến thức chuyên môn, Hoàng Mai còn đang học thêm tiếng Anh (chuẩn B2), để khi ra trường đáp ứng môi trường làm việc trong và ngoài nước.
Theo cô Huyền Trân, tùy từng bài học mà phần lý thuyết và thực hành được thiết kế phương pháp giảng dạy phù hợp để nâng cao hiệu quả đào tạo. Với lý thuyết, cô thuyết trình kết hợp thảo luận nhóm, trò chơi giúp giờ học sinh động, sinh viên dễ hiểu và nhớ bài học; còn thực hành thì thao tác thường xuyên. Cô Huyền Trân cho biết thêm: “Chuyên ngành của tôi là bào chế công nghiệp dược, mỗi năm đều đưa sinh viên sang công ty dược thực hành, thực tập. Thời gian này do dịch COVID-19, việc đưa sinh viên sang cơ sở sản xuất thực tập không nhiều, nhưng vẫn được giới thiệu quy trình sản xuất thực tiễn để cập nhật vào bài giảng tốt hơn”.
Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ đã có quá trình phát triển hơn 50 năm, đào tạo trên 40.000 cán bộ chuyên ngành phục vụ lĩnh vực Y tế. Từ năm 2017, trường được chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, được lựa chọn là một trong những đơn vị đào tạo các ngành nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế. Trường có 5/7 ngành nghề đào tạo trọng điểm quốc gia, trong đó có 1 ngành cao đẳng Ðiều dưỡng vừa là ngành trọng điểm, vừa là ngành cấp độ khu vực ASEAN. Năm 2021, trường được đầu tư hơn 11 tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thực tập, phục vụ chương trình đào tạo trọng điểm cấp quốc gia, khu vực. Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường luôn chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trường liên tục cập nhật, bổ sung xây dựng chương trình, đảm bảo phù hợp với kỹ năng nghề nghiệp của ngành nghề đào tạo, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Các chương trình đào tạo cũng đảm bảo tính liên thông dọc giữa các trình độ và liên thông ngang giữa các ngành, nhằm tạo thuận lợi cho học viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Thạc sĩ Nguyễn Quang Thông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, cho biết: “Trường phát triển đội ngũ có trình độ chuyên môn vững vàng, đầu tư trang thiết bị thực hành, thực tập hiện đại, đầy đủ mô hình, phòng đạt chuẩn thông qua sự hỗ trợ từ các dự án, ngân sách nhà nước và chương trình các ngành, nghề trọng điểm”. Hiện trường có 133 viên chức, người lao động (trong đó có 8 Tiến sĩ, 62 Thạc sĩ), đảm bảo quy mô đào tạo khoảng 4.000 sinh viên.
Ở nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo Y Dược tại Cần Thơ, bên cạnh chuẩn bị kỹ nguồn lực, việc đổi mới chương trình, thực hiện kiểm định chất lượng, gắn kết doanh nghiệp, bệnh viện trong đào tạo, thực hành thực tập được đẩy mạnh. Ðơn cử như Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ đang khẳng định vị thế trong đào tạo nhân lực Y tế chất lượng cao cho ÐBSCL và cả nước. Qua 41 năm xây dựng và phát triển, trường đã cung cấp hàng ngàn cán bộ phục vụ lĩnh vực Y tế; là một trong những đơn vị đi đầu của khối ngành khoa học sức khỏe về đổi mới, chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Trường còn là trường chuyên ngành Y Dược đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ đại học. Năm 2017 trường đạt chứng nhận Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Ðể nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các ngành, từ năm 2003 đến nay quy mô đào tạo của trường đã tăng trung bình từ 10-15% mỗi năm; hiện đang đào tạo 10 ngành trình độ đại học. Thời gian qua, nhà trường luôn quan tâm và chú trọng xây dựng các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục. Thể hiện nổi bật qua việc đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy cũng như đội ngũ giảng viên. Từ 217 cán bộ, viên chức ban đầu thành lập, nay trường có 690 viên chức, người lao động; trong đó hơn 80 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, đảm bảo phục vụ quy mô đào tạo hơn 13.000 sinh viên, học viên.
Tại Trường Ðại học Nam Cần Thơ, trong 28 ngành trình độ đại học, có 5 ngành đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Mô hình doanh nghiệp trong trường học được chọn là một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong các công ty thuộc trường, có Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ða khoa Nam Cần Thơ. Công trình bệnh viện có 11 tầng, quy mô 300 giường bệnh (giai đoạn 1 xây dựng 200 giường và giai đoạn 2 xây dựng 100 giường); có tổng kinh phí đầu tư khoảng 800 tỉ đồng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Quyền Hiệu trưởng nhà trường, bệnh viện là địa điểm thực hành, thực tập cho sinh viên khoa Y, khoa Dược. Các sinh viên được thường xuyên thực hành thực tập, sau khi tốt nghiệp được các công ty, doanh nghiệp đánh giá rất cao, tiếp thu công việc nhanh và làm việc có hiệu quả. Ðây là nguồn nhân lực chất lượng cao mà lãnh đạo nhà trường luôn kỳ vọng.
Theo lãnh đạo các trường, lĩnh vực Y Dược là chuyên ngành đặc thù liên quan đến sức khỏe con người, đòi hỏi nhà trường phải nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và công tác này được thực hiện thường xuyên.
Bài, ảnh: B.KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)