Tuyển sinh trái quy định, xử phạt thế nào?

Thứ sáu, 05 Tháng 2 2021 10:29 (GMT+7)
Từ ngày 10-3, mức xử phạt sẽ tăng mạnh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong tuyển sinh
Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành. Theo đó, liên quan đến các quy định về hoạt động tuyển sinh, nghị định quy định rõ trường hợp thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành hay thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
 
Mạnh tay với nhiều hành vi vi phạm
 
Hành vi công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Các trường không công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm đảm chất lượng đầu vào hay thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố bị phạt từ 30-40 triệu đồng. Nghị định cũng quy định sẽ phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.
 
Hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm này. Đồng thời, buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi tuyển sinh đối với chương trình giáo dục của nước ngoài.
Tuyển sinh trái quy định, xử phạt thế nào? - Ảnh 1.
Nếu sai phạm trong tuyển sinh, các trường sẽ bị phạt nặng Ảnh: TẤN THẠNH
 
Các trường ĐH sẽ bị phạt tiền tới 100 triệu đồng nếu tuyển sinh sai đối tượng ở bậc ĐH. Cụ thể, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học, phạt tiền từ 30-70 triệu đồng nếu tuyển sai từ 10 người học đến dưới 30 người học. Trường hợp tuyển sai từ 30 người học trở lên sẽ bị phạt tiền từ 70-100 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động tuyển sinh từ 6-12 tháng.
 
Đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh, sẽ phạt tiền từ 20-40 triệu nếu tuyển sai dưới 5 người học. Phạt tiền từ 40-70 triệu đồng đối với hành vi tuyển sai từ 5 đến dưới 10 người học. Đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học trở lên sẽ bị phạt tiền từ 70-100 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động tuyển sinh từ 6-12 tháng.
 
Hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
 
Theo quy định mới, các trường phải buộc hủy bỏ quyết định trúng tuyển; buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại nếu hành vi vi phạm có lỗi của cả đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và người học. Trường hợp nếu người học không có lỗi thì nhà trường buộc phải chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục.
 
Tuyển sinh vượt 20%, phạt đến 70 triệu đồng
 
Liên quan đến hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ ĐH vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mức phạt tiền cũng khá nặng. Cụ thể, phạt từ 5-10 triệu đồng nếu tuyển vượt từ 5%-10%, 10-30 triệu đồng nếu tuyển vượt từ 10%-15%, 30-50 triệu đồng nếu tuyển vượt từ 15%-20% và 50-70 triệu đồng nếu tuyển vượt từ 20% trở lên.
 
Đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mức phạt lên đến 60-80 triệu đồng nếu tuyển vượt từ 20% trở lên. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
 
Về mở ngành, chuyên ngành đào tạo, nghị định quy định phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Tự chủ mở ngành, chuyên ngành đào tạo khi chưa đủ một trong các điều kiện theo quy định đối với một ngành, chuyên ngành; gian lận để được cho phép mở đối với một ngành, chuyên ngành đào tạo; không bảo đảm duy trì một trong các điều kiện đã được mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành.
 
Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giáo dục đối với ngành, chuyên ngành từ 6-12 tháng đối với hành vi không bảo đảm duy trì một trong các điều kiện đã được mở ngành, chuyên ngành. Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định cho phép mở ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo đối với hành vi gian lận để được cho phép mở ngành. 
 
Cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ trái phép, phạt đến 100 triệu đồng
 
Nghị định quy định phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi cấp chứng chỉ khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
 
Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không bảo đảm một trong các điều kiện thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; gian lận để được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
 
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi đã hết thời hạn quy định trong quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết nhưng không được gia hạn.
 
Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...