Những sinh viên đạt thành tích trong kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 được tuyên dương.
Mới đây, nhà trường nhận được đầu tư 8,4 triệu USD để mua sắm trang thiết bị hiện đại, đây có thể xem là bước ngoặt mới giúp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long vươn tầm thế giới trong nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Từ những sinh viên giỏi nghề
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia được tổ chức lần đầu vào năm 2000 với tên gọi Hội thi tay nghề trẻ với 6 đoàn tham dự tại 11 nghề. Trải qua 11 lần tổ chức, đến năm 2020 kỳ thi đã thu hút gần 500 thí sinh đến từ 49 đoàn và dự thi ở 34 nghề.
Đây cũng là cuộc thi tuyển chọn sinh viên đại diện cho Việt Nam tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới.
Sinh viên Nguyễn Tấn Toàn tại kỳ thi Kỹ năng nghề Asean.
Đây là sân chơi để tuổi trẻ Việt Nam, đặc biệt là các sinh viên được trình diễn kỹ năng, kiến thức; đồng thời cũng là dịp tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận được với chuẩn kỹ năng nghề ASEAN, thế giới; thúc đẩy lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học- công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tuy mới tham gia các cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia từ năm 2014, nhưng đội tuyển sinh viên của trường đã đạt những thành tích vô cùng ấn tượng, số lượng sinh viên đợt sau nhiều hơn đợt trước, số lượng nghề đạt huy chương ngày càng tăng về số lượng sinh viên đạt giải và chất lượng giải thưởng.
2 lần liên tiếp, sinh viên của trường đại diện cho Việt Nam tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN. Kết quả, đạt 1 Huy chương bạc tại Malaysia năm 2016 (Nguyễn Hoàng Anh) và 1 Huy chương vàng tại Thái Lan năm 2018 (Nguyễn Tấn Toàn) với nghề lắp cáp mạng thông tin.
2 sinh viên nhà trường là đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi tay nghề thế giới năm 2017 tại UAE và 2019 tại Liên bang Nga và góp phần vào thành tích chung của đoàn Việt Nam tại WorldSkills.
Để có được những thành tích này, lãnh đạo nhà trường đã thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, nâng tầm đội ngũ giảng viên, chú trọng kỹ năng thực hành nghề của sinh viên sát với thực tế thông qua các trung tâm ứng dụng công nghệ như: trung tâm năng lượng điện, trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học, trung tâm kỹ thuật đào tạo Toyota … và đặc biệt kết nối, hợp tác với các tập đoàn, công ty và trang bị những thiết bị thực hành thí nghiệm hàng đầu hiện nay của Siemens, Festo, Toyota, Intel… tạo môi trường học tập hiện đại giúp sinh viên làm chủ công nghệ khi tốt nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Hoàng Anh đã được nhà trường giữ lại và tiếp tục đưa sang đào tạo tại Liên bang Nga nâng cao trình độ. Riêng Nguyễn Tấn Toàn- sinh viên đạt thành tích cao nhất Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, nhà trường mong muốn giữ lại, tuy nhiên các tập đoàn lớn với tiềm lực tài chính và công nghệ hiện đại đã “trải thảm đỏ” mời em làm việc.
Nguyễn Tấn Toàn là sinh viên ngành công nghệ thông tin, em chọn ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long vì đã có tìm hiểu chương trình, muốn được thực hành, thực tập nhiều. Chia sẻ kinh nghiệm thành công, Toàn cho biết: “Tôi đã được trường tạo điều kiện thực tập chuẩn bị thật tốt. Trường đã đầu tư trang thiết bị tốt nhất, hiện đại cho tôi thực tập”.
Trong thời gian tới, với việc là 1 trong 16 trường thụ hưởng dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” (Skills and Knowledge for Inclusive Economic Growth Program- SKIEG) với nguồn vốn 8,4 triệu USD hứa hẹn sẽ là một đòn bẩy cho nhà trường ngày càng phát triển.
Đến khát vọng vươn tầm thế giới
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long làm việc với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực với chất lượng tốt nhất, nhiều năm qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long luôn chú trọng đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị; đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các giảng viên bồi dưỡng nâng cao trình độ.
Và, được tham gia dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” đã mở ra cho nhà trường nhiều cơ hội mới.
Biểu đồ thống kê số lượng sinh viên giỏi nghề quốc gia qua các năm.
Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện- SKIEG là chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với tổng kinh phí gần 94,4 triệu USD triển khai thực hiện từ 2020- 2024.
Chương trình nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, đồng thời củng cố quan hệ hợp tác, tương hỗ giữa hai bên.
Thông qua dự án, các trường thụ hưởng sẽ ngày càng đổi mới và phát triển, là những trường chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hướng đến xây dựng cơ chế tự chủ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của nguồn nhân lực trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là 1 trong 2 trường ĐH thụ hưởng dự án và cũng là trường được đầu tư kinh phí nhiều nhất (8,4 triệu USD) cho 3 lĩnh vực: cơ khí, điện- điện tử và công nghệ thực phẩm.
PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho rằng: “Đối với chúng tôi, đây là một cơ hội lớn vì được đầu tư thiết bị mang công nghệ hiện đại nhất; những thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới.
Nhờ đó, tạo tiền đề cho giảng viên và sinh viên nắm bắt sự phát triển của thế giới. Không chỉ cung cấp thiết bị chuẩn về công nghệ, dự án còn huấn luyện cho giảng viên và sinh viên, quy trình mới, công nghệ và thiết bị máy móc mới. Sinh viên ra trường sẽ chuẩn về kỹ năng thực hiện trên những quy trình hiện đại đáp ứng nhiệm vụ mới, vươn tầm ra khu vực và thế giới”.
Cơ sở vật chất với thiết bị hiện đại sẽ tạo tiền đề cho việc dạy và học tốt hơn, sinh viên ra trường đáp ứng được ngay nhu cầu công việc và hơn thế nữa, sinh viên sẽ tự tin hơn trong các kỳ thi kỹ năng nghề trong nước, khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại hội nghị khởi động dự án này, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện”, với tổng vốn ODA 78 triệu USD, trong đó có 3 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Dự án được xây dựng nhằm mục đích: nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế; chất lượng hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Nhờ đó, môi trường dạy và học của 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cấp”.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)