Dấu xưa…
Ngồi bên ly cà phê, trong quán sân vườn rộng rãi có tên Suối Nguồn, được cải tạo từ ngôi biệt thự cũ, TS Trần Duy Hùng, giảng viên Trường Đại học (ĐH) Nông Lâm TPHCM, rành mạch: Làng ĐH Thủ Đức đã hình thành từ đầu những năm 1960. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là tác giả của đồ án quy hoạch kiến trúc làng. Khoảng 300 căn biệt thự được xây dựng, tạo nên làng ĐH có một không hai trên cả nước. Tiếp sau làng ĐH, năm 1972, Viện ĐH Bách khoa Thủ Đức ra đời, cũng là tiền thân của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM ngày nay.
Nơi đây đường ngang lối dọc, rợp bóng cây xanh, được quy hoạch theo ô bàn cờ. Những ngôi biệt thự rêu phong, giấu mình dưới tán cây xanh, là nơi ở của các giáo sư ĐH nên từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến đặt tên đường cũng mang nét riêng, như gửi gắm, hy vọng hướng đến cái đẹp, nhân văn, như đường Công Lý, Tự Do, Bác Ái, Dân Chủ, Hòa Bình… Mỗi căn biệt thự có không gian riêng biệt, diện tích 900-2.200m2, kiến trúc đa dạng về hình thức, theo phong cách, sở thích của gia chủ.
PGS-TS Ngô Minh Oanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, tâm sự: “Thời nào cũng vậy, muốn đất nước phát triển thì giáo dục, khoa học phải đi đầu. Quy hoạch xây dựng khu đô thị ĐH có từ trước, nhưng đến hôm nay mới được gọi đúng tên, đặt trúng vị trí. Lịch sử đất nước còn có điểm gấp khúc, chứ tri thức, khoa học công nghệ là một dòng chảy liên tục. Ước vọng về một khu đô thị ĐH đang được hiện thực hóa hơn bao giờ hết”.
Hạt nhân của thành phố mới
Lật lại những trang kỷ yếu của ĐH Quốc gia TPHCM: năm 1995 ghi dấu mốc lịch sử đối với Làng ĐH Thủ Đức xưa khi Nhà nước có quyết định thành lập ĐH Quốc gia TPHCM. Trường được xây dựng trên nền đất cũ, với diện tích 635,7ha, quy tụ 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và 8 trường ĐH hàng đầu: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, Viện Môi trường - Tài ngyên và ĐH An Giang; là nơi tập trung một lực lượng cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học hùng hậu, với 400 GS-PGS và 1.300 TS. Bên cạnh còn có các Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Ngân hàng… Chỉ riêng ĐH Quốc gia TPHCM đã có đến 69.000 sinh viên theo học, là nguồn lao động chất lượng cao, dồi dào cung cấp cho xã hội.
Những con số không nói hết sự đổi thay của vùng đất vốn là đồi sim mua, cây dại sau 25 năm xây dựng. Để đi lại giữa các khu chức năng, mọi người phải sử dụng ô tô, chí ít là xe máy. Hàng loạt khu nhà cao tầng được xây dựng là thư viện, giảng đường, ký túc xá, viện nghiên cứu… nối với nhau bằng những con đường nhựa phẳng lì, rộng thênh thang. Sinh viên Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngẩn ngơ khi lần đầu đến thăm bạn: “Đến đây, nếu không được hướng dẫn chắc dễ nhầm đường. Mỗi trường như một khu phố hiện đại”.
Theo GS-TS Trần Duy Thành, ĐH Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc, nguyên giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên, con số 4.746 công bố khoa học, 282 đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và 60 bằng sáng chế trong năm 2019 của ĐH Quốc gia TPHCM thuộc tốp đầu cả nước, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với năng lực, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học nơi đây. Để ĐH Quốc gia TPHCM là hạt nhân, bộ não của thành phố mới Thủ Đức, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ, thiết thực hơn nữa giữa các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu và các công ty, tập đoàn sản xuất lớn.
Đứng trên tầng cao khu giảng đường ĐH Khoa học tự nhiên nhìn ra xung quanh, với những khu nhà cao tầng của giảng đường, viện nghiên cứu, dáng vóc một khu đô thị tri thức đã định hình. Khu Công nghệ cao TPHCM nằm trong tầm mắt, những nhà máy khang trang hiện đại trải dài trên đường Võ Chí Công. Bên cạnh Xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1, màu xanh của làng đại học xưa như một công viên xanh nằm giữa khu đô thị hiện đại - dấu ấn của một thời chưa xa.
TRẦN YÊN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)