- Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ được thành lập theo Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 29-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ. Từ năm 2013 đến 2018 trường được giao nhiệm vụ đào tạo 12 ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ.
Từ năm 2018 đến nay trường tiếp tục được UBND TP Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao nhiệm vụ đào tạo thêm 4 ngành mũi nhọn cho vùng ĐBSCL, gồm: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật năng lượng.
Để phát triển trường trở thành cơ sở đào tạo đại học theo định hướng ứng dụng liên ngành kỹ thuật công nghệ phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trường đã lập đề án mở thêm 3 ngành đào tạo hỗ trợ quản lý phát triển kỹ thuật công nghệ. Đó là ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, Quản trị kinh doanh và Quản trị kế toán.
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ trong giờ thực hành. Ảnh: B.NG
* Mong thầy chia sẻ về triển vọng nghề nghiệp các ngành được đào tạo tại trường?
- Sau 8 năm thành lập, trường hiện đào tạo 16 ngành, với quy mô trên 4.000 sinh viên chính quy. Có thể nói, các ngành đào tạo của trường hiện nay có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn, phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể để phát triển Công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Do đó cũng được dự báo là các ngành, nghề thu hút thí sinh ứng tuyển hiện nay. Trong đó, ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng được mở mới năm 2021, là ngành đang có xu hướng phát triển mạnh do nhu cầu thực tế trong xử lý tích hợp nhiều dạng năng lượng: điện năng, thủy năng, phong năng, nhiệt năng…
Trong đó, năng lượng mặt trời đang phát triển mạnh tại ĐBSCL. Bộ GD&ĐT giao trường đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng là ngành duy nhất thí điểm trên cả nước.
Để mở mới các ngành nói chung, ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng nói riêng, trường dựa trên cơ sở nguồn lực đào tạo của đơn vị, nhu cầu xã hội. Thực tế cho thấy qua 4 khóa đầu tiên tốt nghiệp ra trường, đã có trên 92% sinh viên có việc làm ổn định, cung cấp gần 1.500 kỹ sư cho TP Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước.
* Phương thức tuyển sinh 2021 cũng như chính sách thu hút thí sinh của trường như thế nào, thưa thầy?
- Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Để tạo điều kiện cho thí sinh yên tâm học tập, tập trung ôn luyện những kiến thức cơ bản, năm 2021 trường vẫn giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển như năm 2020.
Phương thức 1 xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT với tổng điểm trung bình cả 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 hoặc cả năm lớp 12) đạt từ 18.0 điểm trở lên. Phương thức 2 xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ưu tiên thí sinh nộp trước.
Phương thức 3 xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, có điểm từ 600/1.200 điểm. Phương thức 4 xét tuyển thẳng theo quy định Bộ GD&ĐT.
Trong năm nay, trường tiếp tục triển khai đăng ký xét tuyển, nhập học trực tuyến, giúp thí sinh nhanh chóng, thuận tiện hơn khi đăng ký xét tuyển, nhập học vào trường.
Để khuyến khích tinh thần học tập, thu hút thí sinh giỏi, trường thực hiện chính sách ưu đãi như: thưởng 30 suất học bổng cho sinh viên đạt thủ khoa ngành; tặng 500 suất học bổng khuyến tài cho sinh viên đạt loại giỏi, xuất sắc hằng năm; hỗ trợ khuyến học sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; kết nối tham dự các chương trình giao lưu sinh viên ở các nước ASEAN.
Sinh viên ra trường được nhà trường giới thiệu việc làm hoàn toàn. Bên cạnh đó, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ là cơ sở đào tạo công lập, nên mức học phí (bình quân khoảng 4,3 triệu đồng/học kỳ) phù hợp với điều kiện kinh tế của thí sinh vùng ĐBSCL.
* Xin cảm ơn thầy!
Bích Ngọc - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)