Đam mê sáng tạo của Lê Minh Khôi

Thứ sáu, 04 Tháng 6 2021 08:15 (GMT+7)
Từ sáng kiến “Ứng dụng công nghệ vào sản xuất máy rửa tay sát khuẩn và máy cắt túi ép khử khuẩn”, Lê Minh Khôi, sinh viên ngành Bác sĩ Y học dự phòng - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, đã chế tạo những chiếc máy có công năng khử khuẩn; qua đó chủ động phòng, chống dịch COVID-19, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Lê Minh Khôi đang vận hành máy cắt túi ép tự động bằng công nghệ cảm biến từ.
Lê Minh Khôi đang vận hành máy cắt túi ép tự động bằng công nghệ cảm biến từ.
 
Khử khuẩn là nội dung quan trọng khi thực hiện thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế” của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Đây cũng là hoạt động bắt buộc của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân… Tuy nhiên, việc chạm vào chai đựng dung dịch sát khuẩn hay cắt túi ép khử khuẩn thủ công tại các bệnh viện, sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.
 
Nhằm khắc phục những hạn chế này, Lê Minh Khôi - sinh viên ngành Bác sĩ Y học dự phòng, khóa 40, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ - có sáng kiến “Ứng dụng công nghệ vào sản xuất máy rửa tay sát khuẩn và máy cắt túi ép khử khuẩn”. 
 
Từ sáng kiến trên, Minh Khôi chế tạo thành công 2 sản phẩm: máy rửa tay tự động và máy cắt ép khử khuẩn. Máy cắt túi ép khử khuẩn tự động bằng công nghệ cảm biến từ đã giải quyết gần như triệt để nguy cơ nhiễm khuẩn chéo, khi cắt túi ép để đựng dụng cụ y tế chuẩn bị cho việc tiệt khuẩn và bảo quản lưu trữ các dụng cụ y tế sau khi được tiệt khuẩn.
 
Việc cắt túi ép bằng máy dễ dàng và tiện lợi hơn cách thủ công thông thường. Kích thước và số lượng túi ép sẽ như mong muốn của người dùng, đảm bảo chính xác, hạn chế việc cắt dư hay không đều tay. Minh Khôi cho biết máy cắt túi ép tự động có thể đặt được ở nơi cần thiết với điều kiện rất đơn giản là nguồn điện 220V hoặc 24V-15A; chi phí lắp đặt máy khoảng 30 triệu đồng/máy.
 
Minh Khôi chia sẻ: “Với đam mê nghiên cứu và học hỏi thêm những kiến thức về chế tạo máy, tôi nỗ lực làm chiếc máy này, với sự hỗ trợ và giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Là sinh viên Y học dự phòng, tôi hiểu rõ công tác khử khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh rất quan trọng. Tất cả công việc của nhân viên y tế, dụng cụ thăm, khám, điều trị, phẫu thuật đều phải đảm bảo vô khuẩn, không để tình trạng nhiễm trùng nhiễm khuẩn xảy ra ở bất cứ trường hợp nào”.
 
Ths.BS Trịnh Thị Tâm, Phó Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết nhân lực của khoa ít với 6 người cơ hữu và 3 cán bộ của trường phụ trách kiêm nhiệm, nhưng khối lượng công việc lại nhiều. Khi đưa máy cắt này vào sử dụng vừa tiết kiệm được thời gian vừa giảm công sức lao động.
 
Ví dụ hằng ngày số lượng túi khử khuẩn cho công tác y tế rất nhiều, máy cắt túi ép tự động sẽ giải quyết vấn đề về số lượng, kích thước túi... với tốc độ nhanh hơn. Ths.BS Trịnh Thị Tâm chia sẻ: “Khôi siêng năng, khiêm tốn, nhanh nhạy trong chuyên môn, chịu khó tìm tòi, học hỏi và hay giúp đỡ bạn bè. Em là một trong những tấm gương sáng tạo, nghiên cứu khoa học của trường”.
 
Bên cạnh máy cắt túi ép tự động bằng công nghệ cảm biến từ, thì máy rửa tay sát khuẩn có tích hợp điều khiển từ xa của Minh Khôi cũng hướng đến mục tiêu giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, giảm nhân lực… Máy rửa tay này ứng dụng công nghệ tự động đem lại lợi ích cho nhiều người.
 
Việc rửa tay trở nên dễ thực hiện hơn, với lượng dung dịch vừa đủ được cài đặt trước sẽ giúp tiết kiệm dung dịch sát khuẩn; tiết kiệm chi phí chai nhựa; máy dễ lưu động, phù hợp cho người lớn và trẻ em khi sử dụng nên thuận tiện ở mọi nơi. Đặc biệt, máy rửa tay hạn chế 99% nguy cơ lây nhiễm chéo do không cần tiếp xúc trực tiếp với thiết bị. Giá thành lắp đặt máy rửa tay thành phẩm đưa vào sử dụng khoảng 900.000 đồng - 1 triệu đồng/máy.
 
Chia sẻ về thời gian thực hiện nghiên cứu, Minh Khôi cho biết bản thân và các cộng sự gặp nhiều khó khăn như tìm kiếm linh kiện, gặp nhiều lỗi khi thử nghiệm, thời gian nghiên cứu hạn chế do lịch học ở trường và thực tập tại bệnh viện.
 
Khôi và các cộng sự không nhớ đã bị hư, bỏ linh kiện bao nhiêu lần trong quá trình thực hiện; nhưng sau mỗi lần thất bại lại thêm kinh nghiệm, sáng tạo mới. Sau thời gian thử nghiệm, sản phẩm hoàn chỉnh đã đạt ưu điểm nổi bật như mong muốn: thân thiện với môi trường, giá thành phù hợp, vật liệu chế tạo dễ tìm; kết cấu đơn giản, cơ động, có thể di chuyển đến nhiều vị trí khác nhau… 
 
Sáng kiến về sản xuất máy rửa tay sát khuẩn được nhà trường công nhận vào tháng 4-2020. Hiện có hơn 20 máy được sản xuất và đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và một số trường phổ thông ở Cần Thơ. Riêng sáng kiến máy cắt túi ép khử khuẩn tự động bằng công nghệ cảm biến từ được Trường Đại học Y Dược Cần Thơ công nhận khen thưởng cũng như chuyển giao áp dụng tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ tháng 3-2021. 
 
Bài, ảnh: B.KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...