Với nhiều trường, việc giảng dạy trực tuyến đã trở thành “đương nhiên” kể từ khi có dịch Covid-19. Đa số các trường từ trung cấp đến đại học (ĐH) đã tìm phần mềm cần thiết để phục vụ nhu cầu giảng dạy. Sinh viên thành thạo trong việc trao đổi thông tin bài học với nhau hoặc nhận yêu cầu, bài tập từ giảng viên. Ngoài ra, giảng viên còn có thể truyền tải âm thanh, video và hình ảnh minh họa đến từng học viên qua internet.
Thế nhưng, nhược điểm của hình thức học trực tuyến là sự tương tác của học viên với giảng viên không thể bằng trực tiếp. Đặc biệt, đối với các môn học thực hành, việc dạy trực tuyến không thể đầy đủ và sinh động bằng cách dạy truyền thống, thậm chí không thể thực hiện.
Thầy Trần Nguyên Bảo Trân, Trưởng bộ môn Cơ điện tử - Tự động hóa, Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM, cho biết: “Từ ngày 10-5, nhà trường đã cho sinh viên tạm dừng đến trường nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Trường chuyển sang dạy trực tuyến các môn lý thuyết, còn các môn thực hành gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như ngành cơ điện tử, các bạn phải thực hành trên máy tiện, máy phay, gia công nguội phải có xưởng, có dụng cụ, máy móc… nên không thể nào dạy online được”.
Với các ngành điện tử, hiện giá linh kiện điện tử tăng khá cao. Giảng viên muốn dạy trực tuyến, sinh viên phải tự chuẩn bị thiết bị, vật liệu, sinh viên không đủ khả năng để mua. Ví dụ, 1 mạch điện thời điểm trước dịch chi phí khoảng 100.000 đồng thì nay lên đến 250.000 đồng, chi phí cho việc thực hành tăng.
“Linh kiện điện tử có nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và một số nước khác như Mỹ. Khi dịch bệnh, nguồn nguyên liệu giảm, việc nhập linh kiện cũng hạn chế dẫn đến tăng giá. Bình thường, sinh viên tới trường học thì nhà trường lo hết. Hiện giáo viên muốn dạy thực hành thì sinh viên phải có thiết bị để làm, nhưng các bạn không đủ khả năng tự đầu tư; hoặc chỉ một số sinh viên mua được, như vậy hiệu quả giảng dạy sẽ không cao”, thầy Trân giải thích.
Đặc biệt, với các trường nghề có đặc thù 70%-80% là thực hành thì việc học thực hành lại càng không dễ dàng. Tại Trường Trung cấp Lê Thị Riêng (TP Thủ Đức), chuyên dạy nghề chăm sóc sắc đẹp, may thời trang, chế biến thực phẩm, chế biến món ăn…, trong thời điểm dịch bệnh, việc dạy học càng khó cho cả giáo viên lẫn học viên. Bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Giáo dục nghề nghiệp là dạy nghề, không thực hành là không hợp lý. Trường nghề chiếm 70% khối lượng là thực hành, nên việc dạy thực hành trong mùa dịch đang là mối trăn trở rất lớn với nhà trường”.
Như lớp trung cấp nấu ăn Á - Âu, các tiết học đòi hỏi vật dụng, dụng cụ để chế biến phải đúng yêu cầu, học viên nếu thực hành ở nhà khó có thể trang bị. Hoặc lớp nghệ thuật trang điểm có cả lý thuyết và thực hành. Các học viên có thể học lý thuyết trực tuyến, còn thực hành thì phải trực tiếp mới nắm được cách thức vẽ chân mày, đánh phấn phù hợp với từng khuôn mặt. Tương tự, tại lớp làm bánh, mặc dù thầy cô đã cho công thức nhưng học viên khó có thể làm hoàn chỉnh. Nếu dạy trực tiếp thầy cô sẽ phát hiện lỗi sai và hướng dẫn điều chỉnh, tiết học sẽ hiệu quả hơn.
Cô Thu Thảo giảng dạy tại lớp kỹ thuật chế biến thực phẩm, Trường GDTX Chu Văn An, quận 5. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giải pháp tạm thời
Để gỡ khó cho các môn học thực hành, các trường vẫn nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Ông Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết: “Khó khăn trong mùa dịch là các em không được thực hành trong trường và cả ở doanh nghiệp. Trường nằm ở quận Gò Vấp, lại càng thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị số 16, rồi Chỉ thị 15. Hiện tại, chúng tôi cho sinh viên học các môn lý thuyết thì bằng hình thức trực tuyến. Tất cả các môn thực hành đều tạm dừng. Nếu dịch còn kéo dài, nhà trường tính đến phương án cho các em thực hành, thực tập ở các doanh nghiệp trước, với điều kiện là cả doanh nghiệp và học viên không nằm trong vùng dịch. Nhà trường cũng có áp dụng thực hành mô phỏng nhưng phải cho các em thực hành trực tiếp, thực tế thì mới hiệu quả”.
Tương tự, thầy Trần Nguyên Bảo Trân cho hay: “Nhà trường đang xem xét những môn nào có thể áp dụng thực hành trên phần mềm mô phỏng, nhằm dạy trước một phần kiến thức. Khi sinh viên trở lại trường thì bổ sung thêm kiến thức thực hành. Ví dụ lập trình trên mô phỏng, thiết kế mạch điện trên mô phỏng… là một phần trong môn học thực hành, chiếm 1/3 thời lượng. Giảng viên cho sinh viên học trước một phần, còn lại bổ sung sau. Không thể nào dạy thực hành hoàn toàn qua online được”.
Với Trường Trung cấp Lê Thị Riêng, bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh cho biết: “Để thích nghi với mùa dịch, nhà trường đã linh hoạt làm các video, đưa vào lớp học trực tuyến. Khi TPHCM hết giãn cách thì nhà trường cũng linh hoạt cho học sinh trở lại theo đúng quy định”.
Theo đánh giá chung của các trường, giải pháp đưa ra để gỡ khó cho các môn học thực hành đều mang tính tạm thời. Tất cả đều trông chờ dịch Covid-19 được kiểm soát nhanh chóng, câu chuyện này mới có hướng ra.
PHA THƯ - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)