Ngành Xi măng: Lời giải nào cho bài toán năng suất lao động thấp?

Thứ ba, 20 Tháng 8 2019 08:05 (GMT+7)
Hiện toàn ngành Xi măng (XM) có 82 dây chuyền sản xuất, dự kiến năm 2019 này có 02 dây chuyền XM với tổng công suất 4,1 triệu tấn đưa vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền XM cả nước lên con số 84, tổng công suất toàn ngành gần 100 triệu tấn. Nhưng quá nhiều nhà máy nhỏ, nhiều thương hiệu, sức cạnh tranh thấp, năng suất lao động thấp là vấn đề ngành XM đang phải đối mặt giải quyết trong kỷ nguyên công nghệ số.

Sản phẩm của VICEM Hải Phòng – một thương hiệu mạnh của họ VICEM.

Cấu trúc ngành XM cần ít thương hiệu

XM là lĩnh vực đầu tư đặc thù với tổng vốn đầu tư lớn (đầu tư 1 nhà máy XM lên đến vài nghìn tỷ đồng); sử dụng nhiều tài nguyên như đá vôi, than, điện. Nhưng ngành XM nước ta đang tồn tại một số vấn đề “ngược nguyên lý” so với XM thế giới.

Đó là có quá nhiều nhà máy công suất nhỏ, quá nhiều thương hiệu XM khác nhau dẫn đến sức cạnh tranh kém, chi phí vận hành cao, khó tối ưu hóa lợi nhuận. Ở Thái Lan, tổng công suất ngành XM gần 60 triệu tấn với 5 nhà sản xuất, thì ở Việt Nam có đến 50 nhà sản xuất với tổng công suất gần 100 triệu tấn, công suất gấp đôi nhưng số nhà sản xuất thì gấp 10 lần.

Theo Chủ tịch Hiệp hội XM Việt Nam Nguyễn Quang Cung, ngành XM Việt Nam sẽ hình thành những tập đoàn XM lớn trong tương lai để tăng sức cạnh tranh.

Phân tích lý do vì sao ngành cần hình thành những tập đoàn lớn thay vì nhiều nhà máy công suất nhỏ, lẻ như hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội XM cho rằng: Các nhà máy lớn sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tối ưu hóa lợi nhuận khi giảm được chi phí như chi phí hành chính, chi phí vận hành; năng suất lao động tăng, có nguồn lực tài chính mạnh để đầu tư, đổi mới công nghệ… Cấu trúc ngành XM cần ít thương hiệu.

Nhìn ngược lại bức tranh toàn cảnh ngành XM những năm qua cho thấy: Nhiều nhà máy XM địa phương, hay những doanh nghiệp không chuyên về XM thường thất bại khi vận hành nhà máy.

Đơn cử như XM Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình; XM Sông Thao, XM Hạ Long… đều làm ăn bết bát, thua lỗ nợ nần, phải chuyển về Tổng Cty Công nghiệp XM Việt Nam (VICEM) - doanh nghiệp XM lớn nhất Việt Nam và lớn nhất ASEAN.

Sau khi về VICEM, các doanh nghiệp này được tái cơ cấu toàn diện, từ tái cơ cấu tổ chức - hành chính; tái cơ cấu sản xuất - tiêu thụ đến tái cơ cấu tài chính thì các doanh nghiệp mới bắt đầu được sống lại, phát triển và thoát lỗ.

Vì sao năng suất ngành XM Việt Nam thuộc Top thấp thế giới?

Năng suất lao động ngành XM Việt Nam thuộc Top thấp nhất thế giới. Nguyên nhân được xác định là do ngành XM nước ta tồn tại nhiều dây chuyền nhỏ, lạc hậu, sử dụng nhiều nhân công và không có khả năng tăng năng suất lao động.

Trong tổng số 82 dây chuyền trên cả nước, dự kiến năm 2019 thêm 2 dây chuyền mới đi vào hoạt động, nâng tổng số dây chuyền XM toàn ngành lên con số 84. Nhưng một nửa số dây chuyền có công suất nhỏ, hiện cả nước có 42 dây chuyền công suất nhỏ hơn 0,91 triệu tấn xi măng/năm; trong đó có 29 dây chuyền công suất nhỏ từ 0,25 - 0,65 triệu tấn xi măng/năm.

Đây là dây chuyền đầu tư từ lâu, thiết bị cũ, xuống cấp, mức tiêu hao nhiên liệu lớn, tạo ra sản phẩm có giá thành cao, sức cạnh tranh rất thấp, thậm chí đã có lò nung phải dừng sản xuất clinker để mua clinker từ các dây chuyền lớn về nghiền xi măng.

VICEM hợp nhất thương hiệu, số hóa nhà máy

Sở hữu 10 doanh nghiệp XM với tổng công suất gần 30 triệu tấn/năm, trở thành doanh nghiệp XM lớn nhất ASEAN nhưng trong chiến lược phát triển đề ra, Tổng Cty Công nghiệp XM Việt Nam (VICEM) sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất.

Không bằng lòng với vị trí doanh nghiệp XM lớn nhất Đông Nam Á, ông Bùi Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VICEM khát vọng đưa VICEM trở thành doanh nghiệp số với những nhà máy XM thông minh; có những khâu sản xuất do rô bốt làm việc, thay thế con người…

Theo ông Bùi Hồng Minh, một trong những khó khăn khi triển khai nhà máy XM thông minh là 10 nhà máy sản xuất được đầu tư trong giai đoạn khác nhau với mức độ công nghệ khác nhau nên VICEM buộc phải khảo sát, đánh giá từng dây chuyền một. VICEM đang chuẩn bị bộ tiêu chuẩn đánh giá chuyển đổi số theo mô hình đánh giá phù hợp với doanh nghiệp sản xuất XM; đánh giá hiện trạng chuyển đổi số để đề xuất lộ trình chuyển đổi số và mô hình VICEM 4.0 phù hợp, hiệu quả.

Nếu một nhà máy số hóa hoàn toàn, tối đa thì chỉ còn hơn 100 người thay vì trên 1.000 người tham gia lao động sản xuất như hiện nay. Nhà máy XM thông minh không chỉ tự động hóa cao, giảm nhân công lao động trực tiếp mà chi phí sản xuất giảm, tiết kiệm nguyên nhiên liệu đầu vào, trong đó có tài nguyên, nâng cao bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm được nâng lên và kiểm soát tốt hơn. Công tác quản trị được nâng cao.

Sản phẩm XM chuẩn bị xuất cảng.

Năm 2018, VICEM đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực tiêu thụ và văn phòng điện tử như: Rà soát quy trình đặt hàng online, xây dựng mô hình giải pháp quản lý kênh phân phối cho VICEM (hệ thống DMS) và giải pháp quản lý phương tiện vận tải; xuất hóa đơn điện tử; đồng bộ triển khai trục liên thông văn bản theo các quy chuẩn văn bản điện tử; ứng dụng chữ ký số, tin nhắn, giao việc trong hệ thống trục liên thông văn bản…

VICEM cũng đang triển khai hợp nhất một số thương hiệu như: Thương hiệu XM Sông Thao hợp nhất về thương hiệu VICEM Hải Phòng; thương hiệu XM VICEM Hải Vân hợp nhất về với VICEM Hoàng Thạch… Chiến lược thương hiệu này của VICEM được đánh giá là “khôn ngoan” và hợp xu hướng. Sắp tới, việc hợp nhất các thương hiệu yếu sẽ tiếp tục được VICEM triển khai.

Vũ Huyền - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng