Cà phê hữu cơ không chỉ dành cho xuất khẩu mà có thể bán tại thị trường nội địa khi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước tăng.
Sức hút của nguyên liệu hữu cơ
Trong xu hướng sử dụng cà phê rang xay nguyên chất, không độn bắp, đậu nành hay phụ gia, người tiêu dùng còn mong muốn nguyên liệu hữu cơ, không hóa chất từ khâu canh tác.
Chuỗi cà phê nổi tiếng Thụy Điển có tên Wayne’s Coffee mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM từ tháng 6 vừa qua, đến nay đã có 3 cửa hàng do Công ty Arya Consumer JSC làm đại lý nhượng quyền tại Việt Nam. Điểm nổi bật của thương hiệu cà phê này là sử dụng cà phê Wayne’s toàn cầu đạt chuẩn hữu cơ của châu Âu (EU). Bà Lê Kim Anh Nguyên, phụ trách marketing Công ty Arya Consumer JSC, cho biết cà phê hữu cơ Wayne’s với giá thấp nhất 39.000 đồng/ly là thức uống bán chạy nhất tại các cửa hàng. Tại đây cũng bán cà phê rang xay hữu cơ với giá 250.000 đồng/túi 250 g (tương đương 1 triệu đồng/kg) để khách mua về tự pha.
Cà phê hữu cơ nhập khẩu được bán tại thị trường TP HCM
"100% cà phê hữu cơ tại cửa hàng là nhập khẩu. Cà phê Việt Nam tại cửa hàng chỉ mới có sản phẩm sạch, chúng tôi đang tích cực tìm kiếm nguồn cung cà phê hữu cơ trong nước. Chúng tôi đã đi khảo sát một số nhà vườn giới thiệu là hữu cơ nhưng chưa có chứng nhận nên chưa thể nhập hàng. Trong thời gian tới, nếu có nhà cung cấp đạt chuẩn, chúng tôi sẽ ưu tiên" - bà Nguyên khẳng định.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, thực phẩm hữu cơ là xu hướng mới nổi gần đây. "Tất cả sản phẩm liên quan đến hữu cơ đều được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Thị trường hữu cơ đang tăng trưởng cao do thu nhập và mức sống của người dân tăng lên nên họ ngày càng quan tâm sản phẩm chất lượng cao. Xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng mang nhiều công nghệ, sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng hơn" - ông Hoàng nhận xét.
Sắp có hàng Việt cho người Việt
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh (doanh nghiệp xuất khẩu cà phê top 10 Việt Nam), Việt Nam từ lâu đã sản suất cà phê bền vững (các chuẩn UTZ, Fairtrade, 4C,… - PV) nhưng cà phê hữu cơ chỉ mới phát triển gần đây với sản lượng hạn chế.
"Phúc Sinh đang đầu tư trực tiếp vào vườn cà phê hữu cơ diện tích khoảng 45 ha tại Sơn La và đang trong giai đoạn lấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn EU. Chúng tôi dự kiến dành 50% sản lượng để xuất khẩu, 50% bán nội địa" - ông Thông tiết lộ.
Ông Thông nhìn nhận canh tác cà phê hữu cơ tại Việt Nam có giá thành rất cao so với sản xuất thông thường nhưng sản phẩm vẫn đủ sức cạnh tranh vì giá nguyên liệu không chiếm tỉ lệ chính trong cơ cấu giá thành cà phê bột. Theo ông Thông, định hướng của công ty ở mảng cà phê hữu cơ là chỉ sản xuất vừa với quy mô thị trường để không tự phá giá. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, Phúc Sinh vẫn chưa dự kiến giá bán cho dòng sản phẩm mới này.
Đầu tháng 12 vừa qua, tại một hội nghị quốc tế về nông sản tổ chức ở TP HCM, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) trưng bày sản phẩm cà phê hữu cơ có chứng nhận theo tiêu chuẩn Mỹ nhưng chỉ giới thiệu, chưa có giá bán ra thị trường.
Các doanh nghiệp dự đoán thị trường cà phê hữu cơ sẽ có nhiều bất ngờ trong thời gian tới. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành cà phê, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - nhận định việc sản xuất bền vững, hữu cơ là xu hướng tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến. "Tại Việt Nam đã xuất hiện những mô hình trồng cà phê hữu cơ, tuy nhỏ nhưng rất cần được khuyến khích để nhân rộng. Cà phê hữu cơ là phân khúc cao cấp nên cần gắn với thương hiệu mạnh để được người tiêu dùng tin tưởng, chấp nhận. Những thương hiệu cà phê lớn tại Việt Nam đầu tư vào phân khúc này sẽ là động lực để phát triển cà phê hữu cơ trong thời gian tới" - ông Nam bày tỏ.
Thế giới mở rộng diện tích trồng cà phê hữu cơ
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam dẫn số liệu thống kê tổng hợp từ các nguồn trên thế giới cho thấy diện tích canh tác cà phê hữu cơ trên thế giới liên tục mở rộng. Năm 2004, trên toàn cầu có 176.139 ha đã tăng lên 933.950 ha vào năm 2016. Cà phê là loại cây trồng được canh tác hữu cơ đứng thứ 2 trên thế giới sau cây lương thực (gạo, lúa mì...) với diện tích khoảng 4,9 triệu ha.