Nhóm gia từ Đại học nghiên cứu Wageningen, Trung tâm Y tế Đại học Rotterdam (Hà Lan) và Đại học Adolfo Ibanez (Chile) đã phát hiện việc uống cà phê hàng ngày sẽ giúp tăng đáng kể độ lọc cầu thận (eGFR, tính bằng đơn vị mL/phút/1,73m2), điều rất có lợi cho việc ngăn ngừa bệnh thận mạn tính.
Nghiên cứu mới cho thấy cà phê rất tốt cho hoạt động của thận - Ảnh minh họa từ Internet
Sử dụng dữ liệu sức khỏe được thu thập bởi Nghiên cứu Rotterdam (Hà Lan), bao gồm gần 15.000 tình nguyện viên tham gia trong 3 giai đoạn khác nhau, được theo dõi từ 4-6 năm, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu xem độ thường xuyên của việc uống cà phê đã tác động đến eGFR cũng như một số chỉ số trong nước tiểu như thế nào.
Chỉ số eGFR thường giảm tự nhiên theo độ tuổi. Trong thời gian theo dõi trung bình 5,4 năm, các tình nguyện viên lớn tuổi này bị giảm trung bình 4,92 mL/phút/1,73 m2.
Tuy nhiên sự thay đổi của chỉ số rất khác nhau giữa những người có thói quen uống cà phê khác nhau. Người uống cà phê bị giảm eGFR chậm hơn những người khác.
Uống thêm 1 ly cà phê mỗi ngày, eGFR cũng sẽ cao thêm khoảng 0,84 mL/phút/1,73 m2 so với những người khác có cùng các yếu tố sức khỏe tổng thể.
Khác biệt trông thấy rõ nhất ở những người trên 70 tuổi và béo phì, những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh thận mạn tính.
Đây chỉ mới là nghiên cứu dạng quan sát và các nhà khoa học mong sẽ có thể chứng minh rõ ràng hơn cơ chế tác động của cà phê lên bệnh thận thông qua các nghiên cứu sâu hơn. Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học Clinical Nutrition.
Nhưng rõ ràng bằng chứng khoa học mới này một lần nữa cho thấy cà phê, một thức uống chứa rất nhiều chất chống oxy hóa có lợi, không chỉ ngon mà còn là một thức uống có lợi cho sức khỏe. Nhiều công trình trước đây từng chứng minh cà phê có lợi cho nhiều hệ cơ quan như tim, gan, não... cũng như quá trình chuyển hóa, chức năng sinh sản - tình dục.