Tội “nhìn đểu”

Thứ năm, 06 Tháng 5 2021 06:45 (GMT+7)
Cần khẳng định, trong luật hình sự không có tội danh này. Nhưng với một số thanh niên thừa tự ái, nhưng lại thiếu khôn ngoan, việc “nhìn đểu” là “khó coi” và họ liền ra tay đáp trả. Kết quả tất yếu là họ phải lãnh án, như những phiên tòa gần đây là ví dụ !
Bị cáo Nguyễn Văn Khá lãnh mức án 4 năm tù vì gây thương tích cho người khác do nghĩ rằng mình bị nhìn “đểu”.
 
Tháng 7-2018, Nguyễn Văn Khá, ngụ xã Đông Phú, huyện Châu Thành, cùng bạn đang ăn tối tại một quán bún nhỏ ở ấp Phú Hưng, xã Đông Phú, thì cùng lúc này, anh Trương Thiết Quyền trú tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cũng ngồi ăn đối diện bàn của Khá.
 
Trong lúc ăn, cho rằng anh Quyền và bạn nhìn đểu mình, nên một lúc sau, khi ăn xong vào tính tiền và đi ngang bàn của anh Quyền, Nguyễn Văn Khá liền dừng lại hỏi “Làm gì nhìn hoài vậy”, rồi bất ngờ cầm ghế nhựa đánh về hướng của anh Quyền.
 
Anh Quyền liền vùng bỏ chạy thì bị Khá xô ngã xuống đất, rồi đá nhiều cái vào bụng, mặt làm anh Quyền choáng váng và gục mặt xuống nền đất. Trở về bàn, thấy điện thoại di động của bạn anh Quyền còn để trên bàn, Khá đập điện thoại xuống nền xi măng tỏ vẻ thách thức, rồi điều khiển xe mô tô rời khỏi quán.
 
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh, kết luận: Anh Quyền bị gãy xương hàm dưới cằm trái; tỷ lệ thương tích gây tổn hại đến sức khỏe là 17%. Còn Khá lúc này biết mình gây tội nên liền bỏ trốn, bị truy nã và đến tháng 1-2021 thì bị bắt.
 
Tương tự, một vụ khác xảy ra vào cuối năm 2020 trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, khi Trần Văn Phú đi mua thuốc lá và gặp 2 thanh niên đang ngồi chơi ở tiệm tạp hóa trong đó có anh Lê Văn Hoàng. Thoáng thấy một người nhìn mình, Phú hỏi: “Nhìn gì anh?”. Tưởng câu hỏi xã giao thông thường, anh Hoàng cũng trả lời đơn giản: “Tại tôi nhìn thấy anh quen quen”.
 
Chỉ vậy thôi nhưng dường như cũng đủ khiến Phú cảm thấy “bị xúc phạm” nên lập tức quay về, rủ thêm đối tượng T. ngụ cùng xóm đi đánh anh Hoàng. Tới tiệm tạp hóa, chẳng nói chẳng rằng, Phú xông vào cầm ghế nhựa đánh tới tấp vào đầu, vai anh Hoàng. Khi anh Hoàng bỏ chạy, Phú còn lấy chai bia thủy tinh đập lên đầu anh này. Tại tòa, lúc này bị cáo Phú mới ân hận và bồi thường cho người bị hại, thiết tha mong đổi lấy lời nói xin bãi nại, giảm án của anh Hoàng nhưng đã muộn.
 
Đây chỉ là 2 trong nhiều vụ án xuất phát từ nguyên nhân tương tự. Điều đáng nói là tận khi ra tòa, không bị cáo nào giải thích được khái niệm “nhìn đểu”, nhưng họ vẫn ra sức thanh minh về cảm giác khó chịu, thậm chí như bị… xúc phạm, “mất mặt” khi bị “nhìn đểu”.
 
Dựng lại hoàn cảnh bắt đầu vụ án, các bị cáo đều thừa nhận các bị hại không có lời nói quá khích hay cử chỉ lỗ mãng. Về phần bị hại, tận khi ra tòa, có người vẫn ngỡ ngàng không hiểu vì sao họ chỉ nhìn các bị cáo cũng như đã nhìn mọi người ra vào quán nhưng lại bị đánh? Nếu nhìn như vậy là “nhìn đểu” thì tại sao những người “bị nhìn” khác không đánh họ?
 
Xem ra, “nhìn đểu” hay không cũng chỉ là cảm tính. Hoặc giả, các bị cáo đã quá coi trọng cái tôi cá nhân mà quên mất ứng xử thích hợp trong cộng đồng. Thay vì đáp lại ánh nhìn của người khác bằng một cử chỉ văn minh, thân thiện, các bị cáo đã chọn cách trả lời bằng nắm đấm. Và rồi, hậu quả là các bị cáo phải trả giá cho hành vi của mình mà quên rằng mọi mâu thuẫn đều có thể được giải quyết bằng tình - lý; và đừng để cơn nóng giận lấn át lý trí, sử dụng bạo lực rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc và phải trả giá bằng tù tội.
 
Bài, ảnh: Đ.BẢO - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật