Ao lót bạt để trữ nước ngọt trong vườn cây giống ở Chợ Lách.
Đánh giá thiệt hại
Báo cáo đánh giá tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện vừa qua cho thấy, ranh mặn 3%o bao phủ toàn huyện. Thời gian mặn kéo dài trên 5 tháng đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp huyện, chủ yếu là cây ăn trái đặc sản như chôm chôm và sầu riêng. Thiệt hại do hạn mặn năm 2020 là 2.772ha cây trồng, với 8.401 hộ dân. Trong đó, diện tích cây lâu năm bị thiệt hại trên 2,1 ngàn ha, trong đó trên 900ha cây ăn trái lâu năm bị thiệt hại trên 70%. Trên địa bàn xã Phú Phụng, Sơn Định, nhiều vườn chôm chôm VietGAP đã bị đốn bỏ do ảnh hưởng của hạn mặn.
Theo nhận định của ngành chức năng, từ nay đến cuối năm 2020 có khả năng xuất hiện 6 - 7 cơn bão, nhiều cơn giông lốc. Đỉnh lũ cao nhất trên các sông ở huyện có thể xảy ra từ tháng 8 đến 11-2020. Đỉnh triều có khả năng trên 2m, nguy cơ đe dọa sạt lở tại các điểm đê bao xung yếu là rất lớn. Cùng với đó, dự báo mùa khô 2020-2021 sắp tới, xâm nhập mặn sẽ đến sớm vào tháng 12-2020.
Những vấn đề này đòi hỏi ngành nông nghiệp huyện phải chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó. Hiện tại, sau đợt hạn mặn kỷ lục, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cùng các xã đánh giá cụ thể diện tích bị thiệt hại, chủng loại cây bị thiệt hại và hướng dẫn nông dân cách thức phục hồi, định hướng giải pháp chuyển đổi phù hợp với vườn cây không có khả năng phục hồi.
Chủ động ứng phó
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, đợt hạn mặn đã qua nhưng thiệt hại sau hạn mặn, diễn biến mặn trong đất vẫn còn. Về kỹ thuật, cấu trúc và dinh dưỡng, thành phần hóa học đất bị nhiễm mặn đã thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng. Điều này đòi hỏi người dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật rửa mặn cho đất trước khi muốn trồng trọt hoặc canh tác lại.
Đối với các vùng mà hệ thống thủy lợi còn phục vụ tốt thì giữ lại các cây đặc sản có giá trị kinh tế và có khả năng phục hồi. Những vùng chưa được đầu tư công trình thủy lợi thì cần được chuyển đổi sang các loại cây trồng có khả năng thích ứng, chống chịu tốt với mặn như: nhãn, mãng cầu, xoài, dừa...
Anh Nguyễn Thành An, ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách chia sẻ, sau khi vườn chôm chôm bị thiệt hại trong đợt hạn mặn vừa rồi, anh quyết định chuyển sang làm cây giống. Thực tế, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã chọn cách này để có giá trị kinh tế nhanh hơn so với trồng lại cây ăn trái.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm khuyến cáo, về lâu dài cần có đánh giá tổng hợp về thị trường để xác định nhu cầu, có giải pháp đồng bộ về công trình, giống cây, chất lượng để sản xuất theo chuỗi giá trị mới, có hiệu quả lâu dài và phát triển ổn định.
Trước những dự báo về tình hình thiên tai sắp tới, ngay từ lúc này, người dân cần có bước chuẩn bị ứng phó, chủ yếu là các công trình hộ gia đình để trữ nước ngọt. Chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (điều hành tại chỗ, nguồn lực tại chỗ, tập trung cho nạo vét kênh mương, hệ thống cống, bọng ngăn mặn, trữ ngọt). Đặc biệt, đối với các loại cây trồng thời vụ như cây giống, hoa kiểng cần tính phương án “né mặn”, chuyển đổi thời điểm canh tác phù hợp.
Công tác quản lý hệ thống thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn cũng cần được thực hiện chặt chẽ hơn để phát huy hiệu quả công năng của các công trình đã được đầu tư.
Bài, ảnh: T. Đồng - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)