Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính kết hợp công nghệ tưới nước tiết kiệm đang được ngành chức năng tỉnh và người dân vùng hạn, mặn quan tâm thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho biết do vùng đất nơi đây thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng của hạn, mặn nên trong mùa khô vừa qua Tổ chức nông thôn mới Hàn Quốc đã hỗ trợ cho HTX thực hiện thí điểm mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính kết hợp với công nghệ tưới nước nhỏ giọt trên diện tích 1.000m2. Trong quá trình theo dõi thực hiện mô hình, bà con xã viên của HTX rất tâm đắc. Bởi, mô hình đã giúp nông dân tiết kiệm được nguồn nước tưới rất nhiều trong điều kiện nơi đây phải thường xuyên đối mặt với tình hình xâm nhập mặn và hạn hán vào mùa khô.
Cụ thể, với việc gắn thiết bị tưới nước nhỏ giọt thì mỗi ngày 1.000m2 dưa lưới nơi đây chỉ tiêu thụ từ 40-60 lít nước (cách một giờ tưới một lần, mỗi lần tưới từ 1-2 phút). Trong khi bà con trồng dưa lê hay rau màu ở đây từ trước tới giờ thì thông thường phải tốn một lượng nước khá lớn so với con số ít ỏi trên. Ngoài tiết kiệm nước, mô hình còn hạn chế sử dụng thuốc hóa học, phân bón vì được trồng trong nhà kính; nhờ vậy bảo vệ được sức khỏe người trồng và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. “Tuy mô hình bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực cho người dân vùng hạn, mặn nơi đây; thế nhưng, do mô hình mới nên bà con còn lúng túng về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc. Do vậy, bà con rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật từ ngành chức năng để mô hình mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Khánh cho hay.
Hiện nay, không riêng gì người dân tại HTX ở ấp 9, xã Lương Tâm mà qua ghi nhận thì mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính kết hợp với công nghệ tưới nhỏ giọt đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, với diện tích hiện tại khoảng 5ha. Giống như HTX ở ấp 9, xã Lương Tâm, nhiều bà con cũng rất quan tâm đến thông tin về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc dưa lưới từ ngành chức năng của tỉnh. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh (trung tâm) tiến hành trồng khảo nghiệm 2 vụ dưa lưới trong nhà kính kết hợp với công nghệ tưới nước nhỏ giọt tại đơn vị. Qua đây, trung tâm đã đưa ra một số quy trình trọng tâm về kỹ thuật canh tác và chăm sóc dưa lưới trong nhà kính để người dân nghiên cứu vận dụng vào thực tế tại mảnh đất của mình nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Theo đó, về chọn giống thì hiện giống Chu Phấn và Taki là hai giống được trồng khảo nghiệm, đánh giá là phù hợp với điều kiện nhà lưới. Tuy nhiên, giống Taki do có độ Brix cao nên phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời có khả năng kháng bệnh tốt nên được khuyến khích trồng nhiều hơn. Về cách trồng, hạt giống sau khi được ngâm trong 2 giờ thì tiến hành đem ủ từ 20-24 giờ sau đó đem gieo vào khay. Trong khay có chứa xơ dừa trộn với tro trấu và phân hữu cơ để làm giá thể gieo hạt, tỷ lệ sử dụng: 80% mụn xơ dừa + 20% phân hữu cơ hoặc giá thể tái sử dụng và cộng thêm 100kg nấm Trichoderma/1.000m2. Sau đó, hỗn hợp được phối trộn với cát và trộn đều cho vào túi trồng đạt 7kg/túi (trồng 1 cây/túi). Khay sau khi gieo hạt được đặt trong nhà ươm có che mưa, lưới chắn côn trùng và giữ cây ở nơi mát có bóng tối. Sau 8-10 ngày thì cây bắt đầu nhú lá thật thì đem ra trồng vào nhà lưới. Mật độ và khoảng cách trồng là dưa được trồng theo hàng kép chừa lối đi, gồm: hàng kép cách nhau 70cm; hàng cách hàng là 1,2m (lối đi) và cây cách cây là 40cm. Trồng cây xong cần ấn nhẹ cho giá thể xung quanh cây chặt lại, sau đó phun chế phẩm nấm Trichoderma quanh gốc để giảm mầm bệnh cho cây con. Khi trồng không nên để giá thể quá dầy, nên để giá thể cách miệng chậu từ 5-7cm và để bịch giá thể phải thẳng đứng không được nhăn cong. Về chăm sóc, sau khi trồng cây được 2-3 ngày đầu tiên thì không tưới phân, sau 3 ngày thì liên tục tưới phân (2.0 EC) đủ ẩm để rễ ăn sâu vào giá thể. Từ ngày thứ 4 trở đi tưới phân đảm bảo EC từ 3-3,5Ms sau đó để khô mặt giá thể (hay mặt đất) mới tưới lại. Làm như vậy 3-4 lần để cây có bộ rễ phát triển khỏe. Trong quá trình cây phát triển, phải tỉa nhánh. Từ nách lá thứ 9 đến nách lá thứ 13 mới để nhánh. Thụ phấn cho quả từ nách lá thứ 9-13.
Sang giai đoạn trước khi thụ phấn một tuần thì tưới nước ít lại và tăng phân bón để EC đạt 3,2-3,4 Ms, đồng thời bổ sung thêm B và kali. Sau khi thụ phấn, ngắt ngọn của nhánh và chỉ giữ lại 2-3 lá để dinh dưỡng đẩy nhanh vào trái. Chỉ thụ phấn 3 hoa. Lưu ý cách thụ phấn: dùng 3-4 hoa đực thụ phấn nhẹ nhàng cho hoa cái vào lúc 9-10 giờ sáng. Nếu đậu 3 hoa thì đợi khi trái dưa lớn bằng trứng gà thì tiến hành chọn trái, trong đó mỗi cây giữ lại 1 trái đẹp nhất. Khi trái bắt đầu tạo lưới thì cung cấp đủ ánh sáng và nhiệt độ, giảm ẩm độ bằng cách ngắt những lá xung quanh trái để tạo thông thoáng, từ đó giúp trái dưa có lưới bao bên ngoài vỏ đẹp mắt. Đến giai đoạn tạo ngọt (sau khi kết thúc giai đoạn tạo lưới), bà con giảm phân đạm. Bởi, nếu bón nhiều đạm thì trái dưa sẽ mềm, bảo quản khó, không ngọt. Do đó, giai đoạn này nông dân cần tăng kali, giảm số lần tưới/ngày và lượng nước tưới/lần nhằm không để đất quá ẩm. Ở lần tưới cuối cùng trong ngày cho EC cao hơn (EC khoảng 3,8 Ms). Lưu ý không phun phân bón lá vì cây sẽ mất cân bằng dinh dưỡng.
Về nhà lưới, được thiết kế với hệ thống cửa áp mái cố định, thông gió tự nhiên. Trong đó, tấm lợp mái là plastic, màng lưới bao quanh chống côn trùng từ mặt đất. Đỉnh được thiết kế để lượng nhiệt trong nhà thoát ra môi trường nhanh chóng làm cho không gian bên trong nhà luôn thoáng và sạch sẽ. Hệ thống tưới nước tiết kiệm được sử dụng theo nhu cầu thực tế của mỗi hộ gia đình.
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)