Hệ thống tưới phun tự động tại HTX rau an toàn Hòa Phát.
Hào hứng với công nghệ
Ðưa chúng tôi thăm cánh đồng rộng bạt ngàn, lúa mọc xanh đều thẳng tắp nhìn như một tấm thảm xanh khổng lồ, anh Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Khiết Tâm ở Ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, hào hứng nói: “Lúa trong cánh đồng mọc xanh đều bởi được gieo tập trung, đồng loạt cùng một loại giống, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí và tạo ra lượng lúa gạo hàng hóa lớn, có chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn. Ðây chính là mô hình cánh đồng lớn (CÐL) của HTX với tổng diện tích hơn 340ha và có sự tham gia liên kết của hơn 160 hộ dân. Vụ đông xuân 2020-2021, HTX trồng lúa Ðài Thơm 8 và được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ để xuất khẩu”. Thông qua việc ứng dụng hệ thống cảm biến và điều khiển bằng thiết bị thông minh, HTX nông nghiệp Khiết Tâm áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ cho lúa và đầu tư trạm bơm điện phục vụ cả cánh đồng nâng cao hiệu quả tưới tiêu.
Vùng chuyên canh trồng rau muống của HTX rau an toàn Hòa Phát ở tại khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn cũng đã được lắp đặt hệ thống tưới phun tự động trên diện tích hơn 2ha trong tổng diện tích canh tác 6ha. Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát Nguyễn Văn Bi đưa chúng tôi qua một đoạn đường bê tông dài với nhiều ngôi nhà tường xây dựng khang trang rồi vào một vườn rau xanh rờn diện tích khoảng 6 công đất. Ông vui vẻ giới thiệu: “Trước đây, muốn tưới hết vườn rau phải tốn nhiều thời gian, giờ có hệ thống tưới phun tự động, chúng tôi chỉ cần nhấn nút điều khiển trên remote hoặc dùng điện thoại thông minh điều khiển chỉ mất 3-5 phút tưới, giúp tiết kiệm hơn 50% chi phí. Chúng tôi cũng áp dụng máy móc cơ giới vào khâu làm đất và vận chuyển sản phẩm, giảm chi phí nhân công và nâng cao thu nhập. Mỗi công đất có thể trồng rau muống tới 12 vụ/năm, lợi nhuận gần 100 triệu đồng”.
Ðến nay, các khâu làm đất, bơm tưới nước và gặt đập lúa được nông dân thành phố làm 100% bằng máy, các khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và phơi sấy từng bước được đầu tư, bổ sung hoàn thiện. Các quận, huyện đã có hàng trăm héc-ta trồng rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái được lắp đặt hệ thống tưới phun sương và tưới nhỏ giọt tự động. Nông dân sản xuất rau màu và cây ăn trái cũng đỡ vất vả hơn trước nhờ áp dụng một số máy móc, thiết bị vào khâu làm đất, ứng dụng nhà lưới, nhà màng và các hệ thống hiện đại trong cung cấp nước tưới và dinh dưỡng cho cây. Người chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cũng chủ động hơn nhờ áp dụng các thiết bị máy móc và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cho vật nuôi ăn bằng các loại thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tự chế…
“Mùa xuân” trên cánh đồng lớn
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tiến trình CNH và đô thị hóa đã làm diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch sang khu vực phi nông nghiệp rất nhanh. Do vậy, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất luôn được ngành Nông nghiệp thúc đẩy để giữ vững tốc độ phát triển, đảm bảo năng suất, chất lượng và sản lượng nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích”.
Thông qua liên kết với nông dân thực hiện mô hình CĐL, Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An đã cho ra đời nhiều sản phẩm gạo chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vĩnh Thạnh “vựa lúa” của thành phố, năm qua lợi nhuận của nông dân trồng lúa đã tăng gần 20,5 triệu đồng/ha so với năm trước, đạt bình quân 56,75 triệu đồng/ha. Huyện gieo trồng lúa trong 3 vụ đạt hơn 69.770ha, với sản lượng hơn 454.000 tấn, trong đó hầu hết là lúa thơm, ngon và chất lượng cao như: OM 5451, Ðài Thơm 8 và Jasmine 85. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, phấn khởi nói, Vĩnh Thạnh đã phát huy được những cách làm hay và những mô hình hiệu quả, đặc biệt là mô hình CÐL. Huyện hình thành được 109 CÐL, với diện tích hơn 16.466ha và có 10.824 hộ dân tham gia. Mô hình CÐL với sự liên kết, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp gắn với ứng dụng máy móc, thiết bị, quy trình canh tác tiên tiến và cả các công nghệ thời 4.0 như phun thuốc bằng máy bay không người lái… đã giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân thêm vài triệu đồng/vụ so với ngoài mô hình.
TP Cần Thơ đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thực hiện liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên cả các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Với 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất và nâng cao thu nhập nông hộ. Ðối với cây trồng chủ lực là lúa, việc mở rộng hệ thống thủy lợi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã giúp giảm chi phí, tăng năng suất lúa, chất lượng và duy trì sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn/năm, với tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt trên 80%. Mô hình CÐL triển khai từ vụ hè thu 2011 tại thành phố với quy mô ban đầu chỉ có 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh, đến nay thành phố nhân rộng đạt trên 30.000ha vụ và đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả “liên kết bốn nhà”, thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An, cho rằng, chính nhờ nguồn nguyên liệu chất lượng cao tại các CÐL đã có sản phẩm lúa gạo an toàn, đáp ứng yêu cầu của các thị trường cấp cao mà năm qua công ty có thể xuất khẩu được những lô gạo thơm giá cao kỷ lục, hơn 1.000 USD/tấn.
Ðổi mới phương thức làm nông của nông dân để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn đã khẳng định là một hướng đi đúng để góp phần nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)