Chị Dung hái mướp để kịp bán cho thương lái.
Lay hoay ngoài rẫy từ 4 giờ sáng đến gần 9 giờ chị Dung mới hái xong mướp để kịp bán cho thương lái. Chị Dung cho biết: “Tận dụng đất bờ, tôi trồng 6 công mướp. Mỗi ngày, tôi hái bán bình quân từ 200-300kg mướp. Khoảng giữa tháng 5, do ảnh hưởng dịch bệnh nên hái trái cách nhật. Giá mướp vẫn giữ mức khá ổn định, khoảng 4.000-6.000 đồng/kg”. Hai bên làm ăn uy tín, chị Dung không thắc mắc, kỳ kèo giá cả, còn thương lái không chê hàng, ép giá, trả tiền song phẳng. Ngoài mối lái tại Cần Thơ, con trai chị còn kết nối nguồn tiêu thụ lâu dài ở TP Hồ Chí Minh.
Năm 2019, qua tìm hiểu thông tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Dung vận dụng nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng để đào ao, đắp bờ, làm giàn trồng mướp. Bên cạnh kinh nghiệm tự tích lũy, chị Dung chịu khó học hỏi bà con, tham khảo tài liệu về kỹ thuật trồng trọt. Chị Dung cho biết: “Hoa màu dễ trồng, ít rủi ro thất bát, nhưng muốn cây xanh tốt, đạt năng suất cao phải có kỹ thuật, chọn đúng thời điểm gieo trồng, bón đúng, đủ phân, thường xuyên vun gốc, tưới nước, nhất là lưu ý ngắt đọt đúng thời điểm để cây đâm nhiều tượt, cho năng suất cao…”. Mướp trồng khoảng 45 ngày có thể thu hoạch, tầm 5 trái/kg. Chị Dung còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày, như: đậu bắp, đậu xanh, khoai cao…, vừa tận dụng và cải tạo đất sản xuất, vừa điều hòa dinh dưỡng các loại cây trồng, giảm sâu bệnh phá hại và tăng thu nhập.
Lúc vợ chồng chị ra riêng, cha chồng cho 3 công đất để trồng hoa màu, nuôi 5 người con ăn học. Vợ chồng chị lên liếp trồng các loại rau, cải bán quanh năm để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Tiết kiệm chi tiêu, tích lũy dần kinh nghiệm, vốn liếng, anh chị mua thêm 11 công đất canh tác. Hướng dẫn chúng tôi tham quan 4 công vườn trồng ổi nữ hoàng, ổi lê từ 5 năm qua, chị Dung cho biết, lúc trước, thị trường tiêu thụ mạnh giống ổi này, giá khá cao. Năm 2017-2019, trừ chi phí, tùy thời giá, chị Dung có thu nhập từ 20 triệu đồng/công. Từ năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, ổi cũng rớt giá như các loại trái cây khác. Có khoảng 4 năm, chị Dung theo người dân trong ấp đến huyện Phong Ðiền để học hỏi kinh nghiệm, trồng 4 công dâu Hạ Châu, lợi nhuận cũng khá nhưng không duy trì lâu dài. Theo chị Dung, nhà nông muốn đảm bảo cuộc sống phải năng động chuyển đổi cây trồng, học hỏi kỹ thuật trồng xen canh, đạt năng suất cao để “lấy ngắn nuôi dài”. Chị Dung nói: “Lần này, tôi chọn trồng giống bơ và được nơi bán cây giống hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để đạt năng suất cao. Tôi đang ươm cây giống đu đủ để chuẩn bị trồng xen cùng 250 cây giống mít Thái”.
Là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Thới Hòa B, chị Dung không chỉ gương mẫu, siêng năng lao động, còn quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi gần 1,2 tỉ đồng, góp ý giúp các thành viên sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cũng như đóng lãi đúng hạn, gởi tiết kiệm hằng tháng, đảm bảo không có nợ quá hạn. Theo chị Dung, hầu hết thành viên trong tổ đều linh hoạt sử dụng vốn vay, kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản để chuyển đổi mô hình canh tác, phát huy hiệu quả kỹ thuật trồng xen canh, hạn chế rủi ro, đảm bảo thu nhập.
Chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, nói: “Vợ chồng chị Dung chí thú làm ăn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế. Với kinh nghiệm nhà nông và kiến thức kỹ thuật học hỏi qua các đợt tập huấn khuyến nông, tham quan mô hình sản xuất các nơi, chị Dung nhạy bén chuyển đổi mô hình sản xuất, phát huy hiệu quả “lấy ngắn nuôi dài”, thích ứng thị trường tiêu thụ”.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)