Nuôi tôm – Mũi nhọn để xuất khẩu Cà Mau đột phá

Thứ ba, 03 Tháng 1 2023 12:04 (GMT+7)
Bất chấp biến động thị trường trên thế giới do chiến tranh, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau đạt 1,3 tỷ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, xuất thuỷ sản trên 1 tỉ USD, đóng góp quan trọng vào việc Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10 tỉ USD xuất khẩu thủy sản.
 
 
Ngày 1/1/1997, tỉnh Cà Mau tái lập (tỉnh Minh Hải chia tách thành 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu) với bao bộn bề, khó khăn thách thức chính quyền. Nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cà Mau, đến nay tỉnh tận cùng cực Nam của Tổ quốc đã trở thành một địa phương có nền kinh tế năng động với những triển vọng bền vững. Một trong số đó chính là ngành thủy sản với thế mạnh của con tôm, con cua.
 
3 năm liên tục, xuất khẩu thủy sản Cà Mau vượt 1 tỷ USD, trong đó, chiếm phần lớn là con tôm
3 năm liên tục, xuất khẩu thủy sản Cà Mau vượt 1 tỷ USD, trong đó, chiếm phần lớn là con tôm
 
Đầu đàn ngành tôm
Năm 2022, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1,150 tỷ USD, nhưng chỉ đến 10/2022 tỉnh đã hoàn thành vượt mức, khi giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này đã đạt trên 1,165 tỷ USD, riêng thủy sản đã đạt 960,2 triệu USD, vượt 1,3% kế hoạch, tăng 27% so với cùng kỳ.
 
Theo UBND tỉnh Cà Mau, nhiều năm qua kinh tế thuỷ sản luôn là thế mạnh của tỉnh, mà tạo ra giá trị lớn nhất là mặt hàng tôm. So với cả nước, Cà Mau đứng đầu về diện tích nuôi tôm và sản lượng, khi diện tích nuôi chiếm 40%, và sản lượng tôm chiếm đến 22%. Hiện đã ổn định diện tích nuôi tôm 280.000ha, sản lượng tôm nuôi đạt trên 220.000 tấn.
 
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, qua việc bố trí lại các loại hình nuôi, ngành tôm đã áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm phù hợp với các thị trường, nhất là ngoài nước.
 
Cà Mau là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi và sản lượng tôm.
Cà Mau là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi và sản lượng tôm.
 
Thông tin từ Sở Công thương cho biết, hiện các đơn hàng xuất khẩu đã được thực hiện xong các hợp đồng với các đối tác nước ngoài đến tháng 12/2022. Các doanh nghiệp còn tiếp tục đàm phán, thoả thuận ký kết nhiều hợp đồng cho năm 2023. Do đó, hoạt động xuất khẩu tôm hiện tại cũng như những tháng sắp tới diễn biến ổn định và có xu hướng tăng, không có trường hợp bị ứ đọng hàng hoá.
 
“Do việc xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau đã được hoạch định bằng những giải pháp cụ thể. Nên năm 2022 tỉnh Cà Mau tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trên 1 tỷ USD, bất chấp biến động thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh hay xung đột vũ trang của các nước, mà con tôm là sản phẩm chủ lực.” – ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết.
 
Duy trì thương hiệu con tôm Cà Mau
Trước những biến động mới của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và bảo vệ uy tín của thương hiệu con tôm Cà Mau. Theo đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền rà soát thống kê lại toàn bộ diện tích tôm nuôi với các loại hình trên địa bàn tỉnh.
 
Qua xác định sản lượng từng đối tượng nuôi cụ thể, tỉnh hỗ trợ liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các chuỗi siêu thị liên kết thu mua nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi cho người dân. Song song, rà soát xử lý kịp thời theo quy định các thông tin liên quan việc thương lái thu mua ép giá người nuôi trên địa bàn.
 
Tôm Cà Mau là thương hiệu được yêu thích ở thị trường thế giới, đặc biệt ở Mỹ.
Tôm Cà Mau là thương hiệu được yêu thích ở thị trường thế giới, đặc biệt ở Mỹ.
 
Bên cạnh, tiếp tục xây dựng, phát triển đa dạng sản phẩm sau thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm tôm nuôi nhằm mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thêm nhiều nước trên thế giới. Xây dựng nhiều vùng nuôi được chứng nhận hữu cơ và các chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới.
 
Sắp tới, tỉnh sẽ xây dựng nhiều vùng nuôi được chứng nhận hữu cơ và các chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới. Khai thác và tận dụng tốt các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh vào các thị trường Mỹ, EU, Canada, Úc, Trung Quốc.
Dự kiến năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức Festival tôm để quảng bá hình ảnh, sản phẩm thuỷ sản của Cà Mau. Lễ hội sẽ còn giới thiệu các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… nhằm góp phần kết nối giao thương giữa các vùng, giữa trong và ngoài nước.
 
Biến thách thức thành cơ hội
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu lâu năm ở Cà Mau, ở các quốc gia trong khối EU với thu nhập đầu người 36.000 USD/năm, thị trường này rất khó tính, đòi hỏi hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn EU. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm luôn khắt  khe, đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cụ thể đối với tôm nuôi, khi nhập khẩu vào EU phải được kiểm soát danh mục thuốc thú y sử dụng.
 
Thị trường EU buộc truy suất con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có mã số ao nuôi; thức ăn có nguồn gốc và an toàn; sản phẩm tôm nuôi phải đạt chất lượng; phải có mã số vùng nuôi, ao nuôi; quy trình nuôi, chế biến phải đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm. Thị trường xuất khẩu qua EU đang có nhiều cơ hội tăng mạnh do có lợi thế từ EVFTA.
 
Nhiều năm nay, Cà Mau luôn có nhiều giải pháp, nhất là vấn đề kỹ thuật để con tôm Cà Mau đủ điều kiện vào các thị trường khó tính.
Nhiều năm nay, Cà Mau luôn có nhiều giải pháp, nhất là vấn đề kỹ thuật để con tôm Cà Mau đủ điều kiện vào các thị trường khó tính.
 
Ðối với thị trường Trung Quốc, chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thuỷ sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc có thể bị chậm ở một số thời điểm. Chính vì vậy, các doanh nghiêp luôn phải có chiến lược nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ điều kiện để sản phẩm tôm tiếp tục vào được này, nhất là các thị trường truyền thống nhiều năm qua.
 
Thu hoạch tôm sinh thái, đây là mô hình nuôi tôm phổ biến ở tỉnh này có từ nhiều năm nay, phù hợp thổ nhưỡng điều kiện nuôi của vùng đất Cà Mau
Thu hoạch tôm sinh thái, đây là mô hình nuôi tôm phổ biến ở tỉnh này có từ nhiều năm nay, phù hợp thổ nhưỡng điều kiện nuôi của vùng đất Cà Mau
 
Từ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội, tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng tổ chức triển khai quyết liệt.
 
Theo đó, để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển xuất khẩu, Cà Mau đã xây dựng các nội dung hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu, doanh nghiệp của Cà Mau có thế mạnh. Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế; hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain)...
 
Ngoài lợi thế trên, theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Cà Mau cũng đã tận dụng lợi thế Hiệp định EVFTA (có hiệu lực từ ngày 1/8/2020) để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hiệp định EVFTA đã loại bỏ dần thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hoá Việt Nam, tạo ra khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư tại các nước EU, tạo cơ hội việc làm cho người lao động khi xuất khẩu tăng, các hoạt động sản xuất được mở rộng, dẫn đến những cơ hội việc làm được tạo ra tăng theo.
 
Ngoài thị trường EU có lợi thế về hiệp định EVFTA, tôm Cà Mau đang còn lợi thế từ nhiều thị trường tiềm năng và truyền thống khác. “Ðối với thị trường Mỹ, dự kiến tăng mạnh vào năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thuỷ sản tăng, khi 2 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, Canada, Australia là thị trường tiềm năm cho mặt hàng tôm Cà Mau trong thời gian tới. Một số thị trường khác vẫn giữ đà tăng trưởng tốt như: Anh, Hồng Kông, Hàn Quốc…”, ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản